Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

3 khu đô thị “khủng” ở Bình Định và thêm gần 800 triệu USD vào Tây Hồ Tây


Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2021


Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong chuyến công tác tại Ninh Bình và kiểm tra tình hình triển khai Dự ánđầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.


Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung thực hiện Nghị quyết Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (khi Nghị quyết được ban hành).


Bộ Giao thông Vận tải phải quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện toàn Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm khởi công các dự án (đặc biệt là Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45); khẩn trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP; đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công đối với các dự án thành phần đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn (cả trong thi công và trong khai thác sử dụng), tiến độ, hiệu quả, công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm làm thất thoát tài sản nhà nước.


Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh có dự án đi qua quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật để bàn giao cho các đơn vị thi công chậm nhất vào ngày 31/8/2020; cùng với Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu hoàn thành cơ bản toàn Dự án vào năm 2021, thông xe vào năm 2022.


Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được triển khai chia thành 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km đi qua địa phận 13 tỉnh (Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long). Tổng mức đầu tư toàn dự án gần 119 nghìn tỷ đồng.


Điều chỉnh, giao bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương


Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1145/QĐ-TTg, điều chỉnh, giao bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.


Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm 1.713,503 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 của các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn; điều chỉnh tăng 1.891,134 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương cho các dự án trong nội bộ của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.


Thủ tướng đồng ý điều chỉnh tăng 597,55 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách Trung ương tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cho các dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.


Thủ tướng Chính phủ cũng giao bổ sung hơn 6.089,052 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ các nguồn vốn: Nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn bổ sung theo Nghị quyết số 797/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nguồn bố trí vốn cho dự án đường ven biển.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục và mức vốn điều chỉnh, bổ sung của từng dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.


Thủ tướng Chính phủ cũng giao bổ sung 127,753 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 cho tỉnh Sơn La để thực hiện các dự án.


Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 được giao, điều chỉnh ở trên, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn từng dự án theo quy định gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/8/2020.


Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm bố trí, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 cho các dự án bảo đảm đủ thủ tục đầu tư theo quy định; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án này để hoàn thành đúng tiến độ trong giai đoạn 2021-2025, chịu trách nhiệm về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công.


Doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án du lịch và giáo dục quốc tế tại Phú Yên


Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến vừa có cuộc làm việc với Tập đoàn Nguyễn Hoàng và Công ty Sao Việt về đề xuất dự án Thành phố du lịch và giáo dục quốc tế.

Khu du lịch và giáo dục quốc tế Núi Thơm là một trong 3 vị trí nhà đầu tư đề xuất tổ hợp phát triển du lịch kết hợp với giáo dục quốc tế
Khu du lịch và giáo dục quốc tế Núi Thơm là một trong 3 vị trí nhà đầu tư đề xuất tổ hợp phát triển du lịch kết hợp với giáo dục quốc tế

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến cho biết: Phú Yên có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển giáo dục và du lịch, tuy nhiên chưa có nhiều dự án đầu tư phát triển xứng tầm. Tỉnh mong muốn có nhà đầu tư thật sự tâm huyết, có năng lực để đầu tư thực hiện dự án, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh lâu dài và bền vững.


Theo đại diện nhà đầu tư Tập đoàn Nguyễn Hoàng cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, giáo dục và đào tạo được coi là lợi thế, là sự kiến lập nền tảng tốt nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh cùng với nguồn lực tài chính, nguồn lực tài nguyên của địa phương. Do đó, Tập đoàn Nguyễn Hoàng mong muốn hợp tác cùng Công ty Sao Việt đầu tư xây dựng dự án Thành phố du lịch và giáo dục quốc tế Phú Yên (IEC Phú Yên).


Dự án này sẽ cung cấp cho tỉnh nguồn lực có chất lượng, mang tầm quốc tế, góp phần nâng cao năng lực phát triển toàn diện, giúp tỉnh Phú Yên nhanh chóng trở thành trung tâm phát triển dịch vụ và du lịch, nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Nam Trung Bộ.


Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án sẽ là tổ hợp gồm 3 vị trí tại Khu du lịch và giáo dục quốc tế Núi Thơm (42 ha), Khu du lịch và quốc tế Sao Mai (20 ha), Khu tri thức - Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa (03 ha) được đầu tư xây dựng thành một hệ sinh thái đồng bộ, thống nhất, bao gồm: Trường mầm non Học viện Sài Gòn; Trường liên cấp Hội nhập quốc tế iSchool; Trường liên cấp quốc tế Song ngữ Học viện Anh Quốc; Phân hiệu Đại học quốc tế Hồng Bàng; Khu thể thao và dịch vụ tiện ích; Khu đa chức năng du lịch, du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc người cao tuổi ở khu Sao Việt, Sao Mai...


Trên cơ sở đó, nhà đầu tư kiến nghị Phú Yên bổ sung chức năng giáo dục đào tạo, dạy nghề, điều dưỡng, chăm sóc người cao tuổi, biệt thự nghỉ dưỡng tại khu Núi Thơm và khu Sao Mai; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trường liên cấp tại khu Tri thức – Nam Tuy Hòa; ủng hộ nhà đầu tư triển khai thủ tục xin mở phân hiệu đại học tại địa phương.


Sau khi nghe đại diện các nhà đầu tư đề xuất các phương án khả thi của dự án, Phó chủ tịch Nguyễn Chí Hiến giao các sở, ngành của tỉnh phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan để dự án đảm bảo tính khả thi và đúng quy định pháp luật.


Khu đô thị Tây Hồ Tây tăng vốn thêm gần 800 triệu USD


Dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây tăng vốn thêm 774 triệu USD đã góp phần rất lớn nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm lên 18,82 tỷ USD.


Dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc này được trao chứng nhận đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác, đầu tư, phát triển”, diễn ra vào cuối tháng 6/2020, song được tính cho kết quả thu hút đầu tư của tháng 7/2020.


Ngoài dự án này, trong tháng 7/2020, một loạt dự án quy mô lớn khác cũng đã được trao chứng nhận đầu tư.


Đó là Dự án mở rộng Nhà máy Sản xuất linh kiện điện từ INTC giai đoạn II của Công ty TNHH INTC (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư 150 triệu USD tại Phú Thọ; Dự án Công ty TNHH Bao bì nước giải khát CROWN Vũng Tàu (Singapore), tổng vốn đầu tư 130 triệu USD.


Ngoài ra, còn có thể kể đến Dự án Công ty TNHH Hyosung Financial System Vina (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư 110 triệu USD tại Bắc Ninh.


Nhờ các dự án quy mô lớn này, mà theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/7/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,82 tỷ USD, bằng 93,1% so với cùng kỳ năm 2019.


Trong số này, vốn đăng ký mới đạt 9,46 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019. Việc vốn đầu tư tăng, theo Cục Đầu tư nước ngoài, chủ yếu là do trong 7 tháng đầu năm có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, 4 tỷ USD.


Dự án lớn đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên 5,8 triệu USD trong năm 2020.


Bên cạnhh đó, còn có 4,7 tỷ USD vốn đầu tư tăng thê, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh trong 7 tháng tăng là do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và Dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) vừa kể trên.


Trong khi đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 4,64 tỷ USD, chỉ bằng 54,4% so với cùng kỳ).


Theo Cục Đầu tư nước ngoài, cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 42,1% trong 7 tháng năm 2019 xuống 23,7% trong 7 tháng năm 2020.


Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, đó là vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng khá mạnh trong tháng 7/2020.


Cụ thể, trong tháng 7 năm 2020, cả nước đã thu hút được 3,15 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 76,2% so với tháng 6/2020 và chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư thu hút được trong 7 tháng. Đây là dấu hiệu tích cực.


Mặc dù vậy, một lần nữa, Cục Đầu tư nước ngoài thừa nhận, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Nhiều hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh bị đình trệ và do đó, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm trong 7 tháng đầu năm, đạt 10,12 tỷ USD, chỉ bằng 95,9% so với cùng kỳ.


Bên cạnh đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đại dịch Covid-19 khiến việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn bị ảnh hưởng.


Số dự án mới, điều chỉnh vốn đều giảm so với cùng kỳ, nhất là các dự án đăng ký mới (giảm cả trong tháng 7 và 7 tháng). Mặc dù vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên, song vẫn chủ yếu tăng là nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó.


Ngành kế hoạch và đầu tư: Quyết liệt vượt khó khăn, chủ động định tương lai


Vừa trở về từ chuyến công tác tới hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cấp tốc tổ chức hội nghị trực tuyến giữa ngành kế hoạch và đầu tư với lãnh đạo các địa phương, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy vốn đầu tư toàn xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu toàn ngành, cũng như các địa phương phải quyết liệt vào cuộc, đeo bám từng công trình, Dự án. Ảnh: Đức Thanh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu toàn ngành, cũng như các địa phương phải quyết liệt vào cuộc, đeo bám từng công trình, dự án. Ảnh: Đức Thanh

“Đây là thời điểm quan trọng, khi chúng ta phải đồng thời thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, không được chậm trễ. Phải làm sao để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đạt mức cao nhất có thể các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, cũng như của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, tạo đà cho năm 2021 và các năm tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.


Tình hình đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn, khi Covid-19 đang quay trở lại và bùng phát ở Đà Nẵng. Chính vì vậy, vị Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư đã nhấn mạnh, toàn ngành phải tập trung cao độ để nghiên cứu, tham mưu những chính sách đủ mạnh để giải tỏa điểm nghẽn, thu hút đầu tư, khai phóng nguồn lực, vừa tháo gỡ khó khăn cho giai đoạn trước mắt, để nhanh chóng hồi phục kinh tế, nhưng đồng thời cũng chủ động chuẩn bị kế sách cho giai đoạn phát triển hậu Covid-19, khi kinh tế thế giới được cấu trúc lại.


Khó khăn nối tiếp khó khăn


Đang căng mình chống Covid-19 vừa quay trở lại, nên lãnh đạo tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng đã xin phép không tham gia Hội nghị giao ban trực tuyến ngành kế hoạch và đầu tư năm 2020, được tổ chức ngày hôm qua (28/7). Dù không có bất cứ tiếng nói nào của thành phố này tại Hội nghị, nhưng tất cả đều hiểu rằng, tình hình đang khó khăn như thế nào.


Trong 6 tháng đầu năm, chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế Đà Nẵng - vốn phụ thuộc khá lớn vào dịch vụ, du lịch, đã tăng trưởng âm 3,61%. Nay, khi các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là phát triển du lịch chỉ vừa hồi phục trở lại, thì Covid-19 lại bất ngờ bùng phát một lần nữa. Đà Nẵng lần thứ hai phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Điều đó cũng có nghĩa, kinh tế - xã hội Đà Nẵng sẽ tiếp tục gặp khó.


Đà Nẵng dù không lên tiếng, nhưng Thừa Thiên Huế - địa phương lân cận lại rất sốt ruột. Ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khi phát biểu tại Hội nghị giao ban ngành kế hoạch và đầu tư đã nói rằng, ông rất lo lắng khi Thừa Thiên Huế nằm ở gần “tâm dịch” Đà Nẵng.


Dễ hiểu vì sao ông Định nói điều đó, bởi Thừa Thiên Huế là một địa phương phát triển cũng dựa nhiều vào ngành dịch vụ, du lịch.


Chưa thể trông vào sự hồi phục của ngành dịch vụ, du lịch, giống như nhiều địa phương trong cả nước, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng lũy kế đến nay, giải ngân tất cả các nguồn vốn mới đạt 35,7%, trong đó giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi mới đạt 12,7%.


Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai dù đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 5,8% trong 6 tháng đầu năm - mức tăng trưởng cao nếu so với tốc độ tăng trưởng 1,81% của cả nước, nhưng lại chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.


Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai đến hết ngày 15/7/2020 đạt 22,9% kế hoạch đối với ngân sách tỉnh; 11,2% đối với ngân sách huyện. Khá hơn, giải ngân vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 48,42% kế hoạch.


Tuy nhiên, nhiệm vụ giải ngân đối với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì Đồng Nai lại thực hiện rất chậm. Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án này phải được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã cam kết giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, mới có 1.827,4 tỷ đồng được giải ngân, đạt 10,04%.


Sốt ruột với tình trạng chậm trễ này, cách đây ít ngày, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới Đồng Nai để “đốc thúc” giải ngân. Tỉnh này cũng đã cam kết thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để giải ngân vốn kế hoạch năm 2020, nhưng tình hình rõ ràng là không dễ.


Nếu giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch và tiếp tục chậm trễ như nửa đầu năm, kinh tế - xã hội sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 12 địa phương tăng trưởng âm.


Quyết liệt gỡ vướng mắc


Một thông tin tích cực, được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao, là dù tình hình còn có nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã thể hiện rất rõ sự quyết liệt của mình và cam kết giải ngân hết vốn đầu tư công trong năm nay, đồng thời tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Trong đó, đáng chú ý, TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, đã cam kết tới ngày 15/10, giải ngân 80% vốn kế hoạch, cả năm giải ngân 95%. “Thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giao cơ quan chủ quản, chủ đầu tư phân loại dự án, nắm vững tiến trình từng dự án để có giải pháp cụ thể thích hợp đối với từng giai đoạn thực hiện của từng dự án. Hằng tháng, kiểm tra tiến độ thực địa các dự án, nghe báo cáo và tháo gỡ khó khăn ngay tại công trường”, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nói.


Nhưng như thế dường như vẫn chưa đủ. Điều mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu toàn ngành, cũng như các địa phương, đó là phải quyết liệt vào cuộc, đeo bám từng công trình, từng dự án, từng nguồn vốn, kịp thời điều chuyển vốn từ dự án trì trệ sang dự án giải ngân nhanh, chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội…


“Không chỉ là giải ngân vốn đầu tư công, chúng ta cần quan tâm đến cả các công trình, dự án của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân trong nước. Vốn đầu tư công chỉ chiếm 1/3 vốn đầu tư toàn xã hội. Thúc đẩy đầu tư các nguồn vốn ngoài nhà nước cũng chính là phương cách hữu hiệu để phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.


Nhiệm vụ cũng đã được người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư giao các cán bộ của ngành là tiếp tục bám sát tình hình, dựa trên diễn biến của Covid-19, để có những tham mưu chính sách trúng, đúng và kịp thời.


“Nếu chọn được con đường đi đúng, thì chúng ta sẽ đi nhanh nhất, hiệu quả nhất. Phải lưu ý, khi xây dựng quy hoạch phải quan tâm đến tầm nhìn xa, quan tâm đến liên kết vùng để làm sao tận dụng tốt nhất cơ hội của mình, khai thác hết được tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển bứt phá, mạnh mẽ trong tương lai”.


Trên thực tế, theo thông tin của ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngay khi bước vào thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2020, trước bối cảnh Covid-19 xuất hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động theo dõi, cập nhật sát tình hình, kịp thời phân tích đặc điểm, tính chất của dịch bệnh và ảnh hưởng của nó, dự báo xu hướng tác động của dịch bệnh; đánh giá ảnh hưởng và tác động của Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội, tới các ngành, lĩnh vực và tăng trưởng kinh tế.


Trên cơ sở đó, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp hiệu quả, kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Đồng thời, tham mưu Chính phủ có các giải pháp quyết liệt để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế, chủ động có ngay các giải pháp để hỗ trợ, duy trì hoạt động của một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng. Nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề này đã được Chính phủ ban hành.


Cùng với tinh thần chủ động và quyết liệt như thế, ngay sau các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhanh chóng thành lập các đoàn công tác để tới từng dự án, vào từng doanh nghiệp, xuống từng địa phương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân, vừa chống suy giảm kinh tế, vừa để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển trong tương lai.


Chỉ trong tháng 7/2020, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tới Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An để nắm tình hình, thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ khó khăn. Dự kiến trong tháng 8, sẽ tiếp tục có các đoàn công tác như vậy tới các dự án, các địa phương. Một tinh thần quyết liệt vì sự hồi phục của nền kinh tế hậu Covid-19.


Chủ động định tương lai


Không chỉ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trước mắt, một điều quan trọng luôn được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, hiện là thời điểm quan trọng, là “thời cơ ngàn năm có một” để Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng, chủ động hoạch định tương lai cho mình.


Để hoạch định tương lai cho đất nước, ngay khi Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ cũng đã chủ động nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án Chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.


Những giải pháp được nghiên cứu, đề xuất trong Đề án trình Bộ Chính trị là những giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa mang tính căn cơ để hạn chế tối đa ảnh hưởng dịch bệnh vừa kịp thời tận dụng các cơ hội từ đại dịch Covid-19 nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi và cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với xu thế mới, tình hình mới và cơ hội mới trong năm 2020 và những năm tiếp theo.


Trong khi đó, với các địa phương, trong các chuyến công tác tới địa phương và tại Hội nghị giao ban ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đều nhấn mạnh việc các địa phương phải tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, bởi không có quy hoạch thì không thể xây dựng được con đường phát triển của giai đoạn tới.


Để chủ động tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung thu hút đầu tư để tận dụng cơ hội từ làn sóng đầu tư đang dịch chuyển…


Và tất nhiên, ở vào thời điểm hiện tại, phải chủ động xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, và 5 năm tới, có tính đến các yếu tố về dịch bệnh, về cạnh tranh thương mại và đầu tư phức tạp trên toàn cầu.


“Tình hình là khó khăn, nhưng cũng sẽ tạo cơ hội cho những ai chủ động chọn con đường đi cho mình”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy và giao nhiệm vụ cho toàn ngành phải nỗ lực, quyết liệt cùng địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc; năng động, sáng tạo trong tham mưu chính sách, sao cho đúng, trúng và kịp thời; tiếp tục cải cách và đổi mới, thực sự trở thành một bộ của sự “kiến tạo và phát triển”, tất cả là vì sự phát triển chung của đất nước.


Sơn La xin điều chỉnh tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trị giá 22.294 tỷ đồng


Nhiều nội dung quan trọng của Dự án PPP xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đang được đề xuất điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi tài chính.


Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa có tờ trình số 157/TTr – UBND kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu.


https://media.baodautu.vn/Images/anhminh/2020/07/28/hoabinh.jpg

Phối cảnh cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Phối cảnh cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Trước đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức đối tác công tư PPP hỗn hợp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019, với tổng chiều dài toàn tuyến 85km, trong đó có 49km trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, 36km địa phận huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La). Đây là dự án nhóm A có tổng vốn đầu tư khoảng 22.294 tỷ đồng, trong đó, phần Nhà nước tham gia trong dự án là quỹ đất của địa phương hai tỉnh khoảng 5.000 tỷ đồng.


Được biết, thay đổi đầu tiên mà UBND tỉnh Sơn La đề xuất liên quan đến quy mô đầu tư giai đoạn 1 Dự án. Theo đó, bề rộng nền đường trong giai đoạn 1 giảm từ 17 m xuống còn 13,5 m (quy mô các cầu lớn không điều chỉnh). Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Dự án cũng đề nghị điều chỉnh điều đầu tuyến từ vị trí Km66 + 700, Quốc lộ 6 sang Km29 đường Hòa Lạc – Hòa Bình và thay đổi hướng tuyến vượt lòng hồ sông Đà lần thứ 2, dẫn tới chiều dài toàn tuyến chỉ còn 84 km, giảm 1 km so với phê duyệt của Thủ tướng.


Trên cơ sở điều chỉnh lại hướng tuyến, quy mô mặt cắt ngang phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, tổng mức đầu tư Dự án được đề nghị điều chỉnh khoảng 22.033 tỷ đồng, giảm 261 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư đã được phê duyệt (22.294 tỷ đồng)


Hình thức hợp đồng Dự án cũng sẽ được điều chỉnh từ hình thức PPP, loại hợp đồng BOT kết hợp BT thành BOT.


Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho biết việc thực hiện dự án theo hợp đồng hỗn hợp (BOT kết hợp BT) là loại hợp đồng gần như chưa từng được thực hiện tại Việt Nam, vì vậy các cơ quan Nhà nước, nhà đầu tư đều chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có quy định dừng nghiên cứu mới các dự án BT.


“Do đó, việc điều chỉnh hình thức hợp đồng dự án từ hợp đồng hỗn hợp (BOT kết hợp BT) sang hình thức hợp đồng BOT có sự tham gia của Nhà nước là phù hợp”, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.


Cơ cấu nguồn vốn Dự án cũng có sự thay đổi lớn so với Quyết định số 579. Với tổng mức đầu tư mới là 22.033 tỷ đồng, phần vốn mà nhà đầu tư sẽ huy động là 12.083 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia thực hiện Dự án là 9.950 tỷ đồng dưới hình thức hỗ trợ GPMB và xây dựng một phần công trình, trong đó ngân sách địa phương 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La tham gia là 5.000 tỷ đồng và Ngân sách trung ương hỗ trợ 4.950 tỷ đồng.


UBND tỉnh Sơn La cũng xin Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án (giai đoạn I) theo hướng thực hiện phân kỳ đầu tư thành các dự án thành phần. Cụ thể, Dự án thành phần 1 – đoạn tuyến cao tốc đi qua địa phận tỉnh Sơn La dài 35 km và đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 6 tại ngã ba Đồng Bảng, huyện Mai Châu dài 11 km, cải tạo đoạn QL43 nối với cuối tuyến cao tốc dài 3 km; tổng mức đầu tư khoảng 6.209 tỷ đồng; thời gian thực hiện Dự án từ năm 2021 đến năm 2024, thu phí hoàn vốn trong 20 năm.


Dự án thành phần 2 gồm đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Hòa Bình dài 49 km, tổng mức đầu tư 15.824 tỷ đồng sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026, thời gian hoàn vốn là 24 năm.


Theo đánh giá của UBND tỉnh Sơn La, sau khi hoàn thành đồng bộ tuyến đường vào năm 2026, tuyến cao tốc này sẽ kết nối mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh Sơn La với Hòa Bình và với Thủ đô Hà Nội, tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối đến cửa khẩu biên giới Đông Bắc và cảng biển quốc tế Lạch Huyện. Đồng thời, giảm tải cho tuyến quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương thuộc 2 tỉnh, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương.


Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Mộc Châu về Hòa Bình từ hơn 2 giờ như hiện nay còn khoảng 1 giờ đồng hồ.


Vướng biệt thự cổ, dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục lỡ hẹn về đích


Trong báo cáo mới đây của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh qua quận 1 và Bình Thạnh nguy cơ chậm tiến độ do vướng căn biệt thự xuống cấp, có thể sập nhưng không được tháo dỡ.

Những đoạn đường được rào chắn, sửa chữa khiến các phương tiện giao thông qua gặp khó khăn mỗi khi di chuyển, nhất là trong mùa mưa (ảnh: Việt Dũng)
Những đoạn đường được rào chắn, sửa chữa khiến các phương tiện giao thông qua gặp khó khăn mỗi khi di chuyển, nhất là trong mùa mưa (ảnh: Việt Dũng)

Căn biệt thự cỗ này ở số A17/1 đường Phú Mỹ, phường 22, quận Bình Thạnh (biệt thự cổ, nằm trong danh sách biệt thự cũ đang được thành phố phân loại). Căn biệt thự này hiện trong tình trạng cũ nát, xuống cấp trầm trọng, nhiều nguy cơ sụp đổ, không an toàn cho người và công trình nên không thể thi công hoàn thành đoạn cống thoát nước ra cửa xả chính hầm chui Văn Thánh 2.


Vì vậy, để đảm bảo tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Viện nghiên cứu phát triển, UBND quận Bình Thạnh và các Sở ngành, trung tâm liên quan, khẩn trương, tập trung giải quyết căn nhà nêu trên trong tháng 8 để tổ chức thi công hoàn thành công trình theo kế hoạch.


Dự án nâng cấp và sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những dự án trọng điểm của TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư 473 tỷ đồng, chiều dài công trình là 3,2km, hiện đang thi công hoàn thiện 1,2km đoạn đầu tuyến, phấn đấu xong đoạn này trước ngày 2/9 năm nay.


Hệ thống thoát nước công trình gồm 2 phạm vi chính: Phần cống thoát nước nằm ngoài khu vực xử lý nền đất yếu (chiếm 80% khối lượng cống thoát nước toàn bộ công trình), đến nay đã thi công hoàn thành 50% khối lượng và phấn đấu xong trong năm 2020.


Tuyến đường này được xem là “rốn ngập” của TP.HCM. hiện nay, hàng năm Thành phố phải chi hơn 14 tỷ đồng thuê siêu máy bơm để chống ngập, song tình trạng ngập lụt vào mùa mưa vẫn không được cải thiện.


Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành


Ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1131/QĐ – TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Thi công cầu dây văng Phước Khánh (Gói thầu J3) Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, có độ cao tĩnh không thông thuyền lớn nhất Việt Nam.
Thi công cầu dây văng Phước Khánh (Gói thầu J3) Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, có độ cao tĩnh không thông thuyền lớn nhất Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng quyết định gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến ngày 31/12/2023. Các nội dung khác của Dự án giữ nguyên theo văn bản số 1795/TTg-QHQT ngày 5/10/2010 về phê duyệt danh mục Dự án Xây dựng đường cao tốc GMS Bến Lức - Long Thành và Quyết định số 1575/QĐ-TTg ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục Khoản vay lần thứ II của Dự án đường cao tốc GMS Bến Lức - Long Thành.


Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, đảm bảo kết thúc Dự án đúng tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ, tránh phải gia hạn nhiều lần, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư của Dự án; đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.


Bộ trưởng Bộ GTVT được giao thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy định tại Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/ 2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và Nghị định số 2/2020/NĐ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP.


Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ phải tiếp tục giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/8/2020 việc sử dụng vốn dư của Hiệp định vay 3391-VIE nhằm hoàn thành các công việc chưa thực hiện của Hiệp định vay ADB lần 1 (2730-VIE) theo đúng quy định hiện hành.


Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn tất các thủ tục liên quan đến gia hạn Hiệp định khung, Hiệp định vay số 3391-VIE đã ký với ADB đến ngày 31/12/2023 theo quy định hiện hành để thông báo chính thức cho ADB trước ngày 31/7/2020.


Để Dự án sớm tiếp tục triển khai, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền nhằm giải quyết vướng mắc về bố trí vốn nước ngoài, vốn đối ứng và thực hiện các thủ tục giao vốn cho Dự án.


UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai phải khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho các Nhà thầu trong Quý III/2020 để triển khai thi công Dự án.


Trước đó, vào tháng 6/2020, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, gồm việc gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến ngày 31/12/2023; cho phép gia hạn Hiệp định vay 3391-VIE, Hiệp định khung MFF đến ngày 31/12/2023.


Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng cho sử dụng vốn của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay ADB lần 1 (2730-VIE) do hết hạn hiệp định, với giá trị dự kiến khoảng 1.584,42 tỷ đồng (tương đương 67,4 triệu USD). Đồng thời điều chỉnh, phân bổ lại cơ cấu giá trị của Hiệp định vay 3391-VIE cho phù hợp với nhu cầu thực tế để tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án.


Được biết, Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành bao gồm 11 gói thầu xây lắp chính. Tính đền tháng 6/2020, sản lượng thi công đạt khoảng 10.663 tỷ đồng/ 3.624 tỷ đồng (khoảng 78,28%) tổng giá trị các hợp đồng (không bao gồm dự phòng, thuế).


Cụ thể, đoạn tuyến phía Tây sử dụng vốn từ khoản vay ADB lần 1 số 2730-VIE (gồm 5 gói thầu A1, A2-1, A2-2, A3 và A4), khối lượng thi công đã đạt khoảng 87,15%. Ngoài gói thầu A2-1, A3 đã cơ bản hoàn thành (chỉ còn các hạng mục phụ trợ, an toàn giao thông, điện chiếu sáng và dự kiến bổ sung một số hạng mục đường gom…) thì khối lượng thực hiện còn lại của các gói thầu A1, A2-2 và A4 vẫn còn nhiều. Hiện đoạn tuyến này không có vốn để tiếp tục thi công do Hiệp định vay lần 1 đã đóng, thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu đã hết, chưa được gia hạn.


Đối với đoạn giữa sử dụng vốn từ khoản vay JICA (gồm 3 gói thầu J1, J2 và J3) hiện khối lượng thi công đạt khoảng 84,57%; gói thầu J2 đã hoàn thành; gói thầu J1 và J3 đã hoàn thành phần cầu dẫn; cầu Bình Khánh (gói J1) và Phước Khánh (gói J3) đã hoàn thành trụ tháp, khối K0. Thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu J1 và J3 đã hết, chưa được gia hạn. Thời gian hiệu lực của Hiệp định vay JICA là đến tháng 7/2024 nhưng các gói thầu đang tạm dừng do các Dự án của VEC chưa được giao vốn nước ngoài theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội, theo đó vốn nước ngoài chưa được cấp cho VEC từ tháng 1/2019.


Trong khi đó, đoạn tuyến phía Đông sử dụng vốn từ khoản vay ADB lần 2 số 3391-VIE (gồm 3 gói thầu A5, A6 và A7): Khối lượng thi công đạt khoảng 38,66%. Các gói thầu vẫn đang trong thời gian thực hiện hợp đồng (tháng 12/2020), thời gian Hiệp định vay nhưng thi công cầm chừng do không được thanh toán khối lượng đã nghiệm thu từ sau thời điểm kết thúc thời gian thực hiện Dự án theo quyết định đầu tư (ngày 30/6/2019). Hiệp định vay 3391-VIE có thời hạn đóng vào ngày 30/6/2020 cần được gia hạn đến ngày 31/12/2023 để có đủ vốn hoàn thành đầu tư.


Tương tự các gói thầu xây lắp, thời gian thực hiện hợp đồng của các gói thầu Tư vấn giám sát và các gói thầu xây lắp, tư vấn phụ trợ khác trong Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đã kết thúc, cần phải được điều chỉnh tướng ứng theo tiến độ thi công của các gói thầu xây lắp để đảm bảo việc triển khai Dự án được hiệu quả, an toàn.


Bộ GTVT đánh giá, trường hợp không gia hạn, điều chỉnh được các khoản vay ADB, Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ không có vốn để tái khởi động công trường (từ đầu năm 2019, Dự án cũng đang gặp nhiều vướng mắc, chưa được giao vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước), VEC mất nguồn vốn để hoàn thành đầu tư các phân đoạn phía Tây, phía Đông của Dự án (ước tính khoảng 4.665 tỷ đồng, tương đương khoảng 200 triệu USD). Ngoài ra, Dự án sẽ chưa thể xác định thời điểm sẽ hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác, tiềm ẩn nguy cơ cao về rủi ro pháp lý đối với các đơn vị tham gia thực hiện Dự án, phát sinh nhiều khiếu kiện khiếu nại từ phía các Nhà thầu quốc tế, không phát huy hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư.


Theo chủ đầu tư – Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC, tổng mức đầu tư cập nhật của Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện nay khoảng 27.510 tỷ đồng (giảm 3.810 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt 31.320 tỷ đồng), nguyên nhân chính là do giá trị hợp đồng các gói thầu xây lắp sau đầu thầu các gói thầu xây lắp ADB tài trợ đều giảm tương đối nhiều so với dự toán được duyệt (khoảng 30% - 40%). Các thay đổi, phát sinh hiện nay trong các gói thầu xây lắp của Dự án nằm trong khả năng cân đối được từ nguồn dự phòng của hợp đồng đã ký và dự phòng còn lại chưa phân bổ trong tổng mức đầu tư Dự án. Do đó, Dự án sẽ không phát sinh điều chỉnh tăng so với giá trị tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.


Chính phủ thông qua một số đề xuất của Bộ Giao thông về 3 dự án cao tốc Bắc – Nam


Chính phủ vừa thông qua một số đề xuất của Bộ GTVT để triển khai 3 dự án cao tốc Bắc Nam: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.


Thay mặt Chính phủ, hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết số 112/NQ – CP về việc triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Triển khai thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Duy Lợi.
Triển khai thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Duy Lợi.

Theo đó,Chính phủ thông qua một số đề xuất của Bộ GTVT để triển khai 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được Quốc hội khóa XIV quyết nghị tại Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư:


Cụ thể, Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư được quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công quyết định phê duyệt điều chỉnh 3 dự án thành phần. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ; rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của 3 dự án thành phần chuyển đổi.


Tại Nghị quyết số 112, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu việc bố trí vốn để thực hiện Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ Dự án.


Chinh phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương thực hiện các thủ tục tiếp theo để khởi công xây dựng các dự án thành phần từ tháng 9/2020, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng.


Các nội dung khác vẫn sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.


“Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi chủ trương thực hiện Dự án trong các ngành, các cấp và nhân dân”, Chính phủ chỉ đạo.


Trước đó, trong Tờ trình số 6681/BGTVT - TTr gửi Chính phủ ngày 10/7, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ quyết nghị việc Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư theo khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công và khoản 7, Điều 1, Nghị định số 02/2020/NĐ-CP thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư trong giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng theo quy định.


“Đây là cơ chế cần thiết để sớm khởi động 3 dự án thành phần trên hiện trường, qua đó giải ngân lượng vốn đầu tư công lớn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.


Triển khai Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với chiều dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó bao gồm 3 dự án thành phần đầu tư công và 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 giao Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) tổ chức thực hiện. Bộ GTVT đã căn cứ quy mô của từng dự án thành phần để thẩm định, quyết định đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư công; đến nay đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, cơ bản hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; các địa phương đã thực hiện và cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Hiện ba dự án thành phần đầu tư công đã khởi công xây dựng, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu của Chính phủ.


Trên cơ sở Tờ trình số 282/TTr-CP ngày 5/6/2020 của Chính phủ, Quốc hội đã có Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây; 5/8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP còn lại tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội.


Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GTVT đang thực hiện thủ tục điều chỉnh đầu tư 3 dự án thành phần nêu trên; khi điều chỉnh, không làm thay đổi mục tiêu, phạm vi, quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án; tổng mức đầu tư giảm so với đầu tư theo hình thức PPP đã được Bộ GTVT phê duyệt, riêng mức vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ đồng dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.


Theo quy định của pháp luật về đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia, đối với dự án mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án (Điều 40 Luật Đầu tư công); đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên cơ sở thẩm định của Bộ KH&ĐT (Điều 82, 83 Luật Đấu thầu).


Nghệ An: Khởi công đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò, mở toang cánh cửa hướng ra biển


Sáng 25/7, Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An), đoạn từ điểm giao QL.46 đến TL.535 (Km76+00 - Km83+500) đã chính thức được khởi công xây dựng.


Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Nghệ An với Hà Tĩnh qua cầu Cửa Hội; kết nối các cảng biển Cửa Lò, Vissai, DKC và các khu du lịch Cửa Lò, Bãi Lữ, FLC…, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và du lịch tỉnh Nghệ An.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tuyến đường bộ ven biển khi hoàn thành sẽ mở toang cánh cửa hướng ra biển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tuyến đường bộ ven biển khi hoàn thành sẽ mở toang cánh cửa hướng ra biển.

Dự án nằm trong tổng thể tuyến đường ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt. Trong đó, tuyến đường qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài 83,584 km, tổng vốn đầu tư 5.172 tỷ đồng, còn đoạn ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò có chiều dài trên 7,3km, vốn đầu tư 521 tỷ đồng.


Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển tỉnh Nghệ An đoạn từ QL.46 đến TL.535 (Km76+00 - Km83+500) sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh Nghệ An kết nối với mạng lưới đường bộ ven biển của cả nước.


“Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Nghệ An với Hà Tĩnh thông qua cầu Cửa Hội; kết nối cảng Cửa Lò, cảng biển quốc tế Vissai, cảng DKC và các khu du lịch Cửa Lò, Bãi Lữ, FLC…, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, du lịch tỉnh Nghệ An, đặc biệt là TP. Vinh và thị xã Cửa Lò; đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng”, ông Thái Thanh Quý nhấn mạnh.


Là người đặc biệt quan tâm đến việc phát triển các tuyến đường ven biển, tham dự Lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới trong việc đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển của Việt Nam.


“Việc xây dựng tuyến đường này có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa mở toang cánh cửa hướng ra biển, tạo điều kiện cho các địa phương có thêm không gian phát triển, cả về lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nuôi trồng thủy sản…, lại vừa góp phần quan trọng đảm bảo các yếu tố an ninh, quốc phòng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.


Vì tầm quan trọng của dự án này, theo Bộ trưởng, mà lần đầu tiên, cả 4 Bộ, bao gồm Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải, Xây dựng đã cùng họp bàn, thảo luận để làm sao thúc đẩy triển khai nhanh nhất.


Và Nghệ An chính là địa phương thứ hai chính thức khởi công xây dựng dự án tuyến đường ven biển. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của tỉnh. Đánh giá cao điều này, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, tuyến đường ven biển sẽ chỉ phát huy được hiệu quả nếu như toàn tuyến đường hoàn thành.


Chính vì vậy, theo Bộ trưởng, các địa phương cũng phải sớm hoàn thành các thủ tục để làm sao triển khai xây dựng các dự án tuyến đường ven biển ngay trong tháng 9 tới. Với riêng Nghệ An, ngoài đoạn từ Nghi Sơn với Cửa Lò, cũng phải sớm triển khai các đoạn tuyến còn lại trong giai đoạn 2021-2025 tới.

nhà thầu cam kết đẩy nhanh tiến độ để thông xe vào quý I năm 2021.
Nhà thầu cam kết đẩy nhanh tiến độ để thông xe vào quý I năm 2021.

Một điều quan trọng khác được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đó là cùng với việc phát triển tuyến đường ven biển, Nghệ An phải đồng thời phát triển hành lang ven biển để có quỹ đất rộng lớn, mở rộng không gian phát triển.


Quỹ đất này, theo Bộ trưởng, phải có quy hoạch rõ ràng và quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bởi đây chính là nguồn lực quý để tỉnh “làm nhiều việc khác”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


Đây cũng là điều luôn được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định khi làm việc với các địa phương, như Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên…, những địa phương đều đang trong quá trình xây dựng các tuyến đường ven biển.


Tại Lễ khởi công, đại diện đơn vị thi công cũng đã cam kết sẽ nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, vượt mục tiêu đề ra, nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố về kỹ, mỹ thuật…


Thông tin cho biết, Dự án tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An), đoạn từ điểm giao QL.46 đến TL.535 (Km76+00 - Km83+500) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.


Trong tổng vốn đầu tư 521 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 256,156 tỷ đồng, còn vốn ngân sách tỉnh là 256,844 tỷ đồng. Dự án đã được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và được bố trí vốn đầu tư công năm 2020. Hiện, ngân sách Trung ương đã bố trí 125 tỷ đồng vốn đầu tư.


Phần còn lại, mong muốn của tỉnh Nghệ An là ngân sách Trung ương sớm phân bổ và bố trí vốn, làm sao dự án kịp triển khai, thông tuyến vào quý I/2021.


Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đang tập trung kiểm tra, rà soát điều chuyển vốn từ các dự án trì trệ, chậm triển khai sang các dự án giải ngân tốt.


“Nếu dự án tuyến đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò triển khai tốt, chúng tôi sẽ xem xét để có thể điều chuyển vốn cho dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.


Từ năm 2021, quy định về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia có thay đổi


Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kế hoạch trước ngày 30/6 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn trước.

Nghị quyết số 974/2020/UBTVQH14 có hiệu lực thi hành kể từ năm ngân sách 2021
Nghị quyết số 974/2020/UBTVQH14 có hiệu lực thi hành kể từ năm ngân sách 2021

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 974/2020/UBTVQH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 ngày 19/1/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.


Nghị quyết số 974/2020/UBTVQH14 sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể, căn cứ lập kế hoạch theo quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật Đầu tư công. Nội dung của kế hoạch theo quy định tại Điều 49 của Luật Đầu tư công.


Trước ngày 20/9 của năm thứ 5 nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch giai đoạn sau để hoàn thiện, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm đó.


Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội khóa trước, Chính phủ hoàn thiện kế hoạch và gửi tới đại biểu Quốc hội khóa mới chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới.


Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước (bao gồm chi đầu tư phát triển vốn ngân sách nhà nước và chi thường xuyên) đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/6 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn trước.


Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.


Về điều khoản chuyển tiếp, Nghị quyết quy định: Việc lập, thẩm tra, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và năm 2020 thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 và tình hình thực tế hàng năm, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định; riêng báo cáo quyết toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách nhà nước không phải chi tiết theo ngành, lĩnh vực.


Bình Định tìm chủ cho 3 dự án khu đô thị vốn “khủng”


UBND tỉnh Bình Định vừa công bố danh mục 3 dự án khu đô thị với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh này xác nhận.

Phối cảnh Dự án Khu đô thị Long Vân
Phối cảnh dự án Khu đô thị Long Vân

Ba dự án gồm khu đô thị Long Vân 2, Long Vân 3 và Long Vân 4 được đầu tư với mục tiêu xây dựng mới các khu đô thị hiện đại về không gian, kiến trúc, cảnh quan; đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; hình thành các công trình nhà ở với kiến trúc và kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong tương lai.


Theo ông Bay, cả 3 dự án trên thuộc khu đô thị Long Vân - khu đô thị lớn của TP. Quy Nhơn với tổng diện tích quy hoạch gần 1.400 ha, quy mô dân số dự kiến là 49.000 người.


Khu đô thị Long Vân có ranh giới phía Bắc giáp Quốc lộ 1D (đường Hùng Vương); phía Nam giáp núi Vũng Chua; phía Đông giáp sườn Tây núi Vũng Chua và bao gồm cả phần ranh giới tuyến đường xuyên núi Vũng Chua nối với ngã ba hồ Phú Hoà và khu liên hợp thể dục thể thao; phía Tây giáp Quốc lộ 1A (đường Lạc Long Quân).


Thời hạn hoạt động các dự án là 50 năm. Tiến độ đầu tư là 8 năm kể từ ngày ký hợp đồng.


Dự án khu đô thị Long Vân 2 nằm tại phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn có quy mô 36 ha, gồm các công trình: khu nhà ở thấp tầng (liên kế, biệt thự) khoảng 850 căn; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông nội bộ, hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh; xây dựng các công trình dịch vụ xã hội đô thị.


Tổng mức đầu tư dự án tối thiểu 2.152 tỷ đồng, trong đó tổng chi phí thực hiện là 1.700 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 452 tỷ đồng.


Dự án tiếp theo là khu đô thị Long Vân 3 nằm tại phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn có diện tích 38 ha, bao gồm các công trình: khu nhà ở thấp tầng (liên kế, biệt thự) khoảng 1.000 căn; công trình trường học; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông nội bộ, hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh; xây dựng các công trình dịch vụ xã hội đô thị.


Dự án này có tổng mức đầu tư tối thiểu 2.535 tỷ đồng, trong đó tổng chi phí thực hiện 2.100 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 435 tỷ đồng.


Dự án thứ ba là khu đô thị Long Vân 4 thuộc phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn có quy mô 32 ha, bao gồm các công trình khu nhà ở thấp tầng (liên kế, biệt thự), nhà chung cư khoảng 1.300 căn… Tổng mức đầu tư tối thiểu là 2.209 tỷ đồng, trong đó tổng chi phí thực hiện dự án 1.900 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 309 tỷ đồng.


Theo chia sẻ của ông Nguyễn Bay, điều kiện để có thể tham gia 3 dự án khu đô thị lớn này, nhà đầu tư cần có ít nhất 1 dự án có quy mô bằng quy mô dự án đang xét trở lên thuộc các lĩnh vực khu đô thị, nhà ở thương mại, chung cư, hạ tầng khu/cụm công nghiệp đã đưa vào hoạt động.


Nếu nhà đầu tư tham gia với vai trò góp vốn chủ sở hữu thì được chấm tối đa 25 điểm, nếu nhà đầu tư tham gia với vai trò chủ sở hữu (giá trị vốn góp chủ sở hữu chiếm tỷ lệ 100% đối với phần vốn chủ sở hữu của dự án kinh nghiệm) thì được chấm tối đa 50 điểm.


Bên cạnh đó, về tiêu chí kinh nghiệm khác, nếu nhà đầu tư có kinh nghiệm triển khai các dự án này tại Bình Định thì sẽ được chấm tối đa 15 điểm.


Năng lực tài chính được chấm tối đa 35 điểm. Nhà đầu tư đạt từ 85 điểm trở lên được đánh giá là đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án.


Nguồn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét