Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Đầu tàu giải ngân giao thông tăng tốc

Dự án Cam Lộ - La Sơn đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dự án Cam Lộ - La Sơn đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Bám công trường


Mặc dù đã cắt cử 2 phó giám đốc thường trực bám ở hai đầu công trường, nhưng cứ khoảng 10 ngày/lần, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông - Vận tải - GTVT) lại bay từ Hà Nội vào Huế để kiểm tra toàn tuyến Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn (Dự án Cam Lộ - La Sơn).    Các lần ra vào công trường này của ông Hoàng chưa bao gồm việc tham gia các đoàn kiểm tra hiện trường Dự án của lãnh đạo Bộ GTVT và của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng.


Ngoài việc được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải là công trình kiểu mẫu về tiến độ, chất lượng, Dự án Cam Lộ - La Sơn một trong 3 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam (sử dụng vốn đầu tư công) với tổng mức đầu tư lên tới 7.699 tỷ đồng này còn được cả lãnh đạo Bộ GTVT, Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh coi là “mỏ vàng” giải ngân của toàn ngành.


Được biết, trong năm 2020, Dự án Cam Lộ - La Sơn được giao 1.524 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7/2020, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã giải ngân được khoảng 900 tỷ đồng - con số khá ấn tượng đối với một dự án quy mô lớn mới bắt tay vào thi công chính thức được khoảng 6 tháng, trong đó có 2/11 gói thầu xây lắp đã hoàn thành được trên 25% giá trị hợp đồng. Ngoài việc bám công trường, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thi công, Dự án Cam Lộ - La Sơn còn được đại diện chủ đầu tư áp dụng mô hình quản lý, giám sát tiến độ, các công tác triển khai bằng công nghệ camera, flycam... để theo sát mọi diễn biến thực tế trên công trường.


“Mục tiêu của chúng tôi là thi công xong nền đường toàn Dự án dài khoảng 98 km, quy mô 2 làn xe trước mùa mưa lũ năm 2020. Thách thức là rất lớn do trên tuyến vẫn còn khoảng 4 km đang bị vướng mặt bằng dạng “xôi đỗ” qua khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế và nguồn đất đắp đạt tiêu chuẩn phục vụ thi công đang khan hiếm, đã tăng gấp 2 lần so với giá dự toán”, ông Hoàng thừa nhận.


Điểm thuận lợi của công trình trọng điểm quốc gia này là nguồn vốn sẵn có nên các nhà thầu chỉ cần có khối lượng thực tế, lên được phiếu giá là có thể được thanh toán chỉ sau khoảng 5 ngày, giúp đẩy nhanh vòng quay vốn trên công trường. Để dòng chảy vốn tại Dự án không bị gián đoạn, đại diện chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu khẩn trương tập kết các loại vật tư như đá, cát, xi măng, thép về công trường để có thể bắt tay thi công các khối cấu kiện đúc sẵn khi mùa mưa ập đến trong khoảng 2 tháng tới.


Bộ GTVT lọt top bộ, ngành giải ngân cao, tuy nhiên, công việc phía trước còn rất lớn, khi 6 tháng cuối năm, tổng số tiền phải giải ngân lên tới hơn 25.000 tỷ đồng.

Với cách làm nói trên, không chỉ Dự án Cam Lộ - La Sơn, các công trình do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang có tiến độ triển khai khá tốt, khi đến đầu tháng 7/2020 đã giải ngân hơn 3.800 tỷ đồng, đạt 60% vốn kế hoạch năm 2020. Đây chính là điểm tựa để Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh mạnh dạn đăng ký với Bộ GTVT để nhận thêm 400 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2020 nhằm đẩy tiến độ thi công các dự án được giao.


Khác với thông lệ, ngay từ đầu năm 2020 này, các dự án hạ tầng giao thông không còn “đủng đỉnh” mà đã tăng tốc ngay sau khi Bộ GTVT “ra roi” đối với các chủ đầu tư/ban quản lý dự án.


Trong công điện gửi các chủ đầu tư vào đầu năm 2020, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết là sẽ lấy kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm làm một trong những tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2020 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan. “Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020”, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định.


Mục tiêu được Bộ GTVT đưa ra là đến hết tháng 8/2020 phải giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài các năm 2018, 2019 sang năm 2020; đến hết tháng 9/2020 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch năm 2020 đã giao; đến hết tháng 11/2020 giải ngân tối thiểu 85% kế hoạch năm 2020 đã giao; trước thời hạn giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm các nguồn vốn các năm trước còn lại được chuyển sang).


“Các chủ đầu tư được yêu cầu rà soát, xây dựng quy định trình tự, thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ thanh toán nội bộ tại đơn vị, đảm bảo rút ngắn thời gian xử lý và phù hợp với các quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán. Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định”, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu.


Nhất quán mục tiêu


Trên thực tế, không chỉ riêng Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, nhiều dự án lớn do các ban quản lý dự án khác cũng đang có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khá tốt, vượt trội so với mọi năm.


Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), đến hết tháng 6/2020, các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư hoặc cấp quyết định đầu tư đã giải ngân được hơn 15.000 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch năm. “Con số này khá cao so với kết quả giải ngân bình quân chung của cả nước là 28,9%”, ông Huy nói và cho biết thêm: Bộ GTVT lần đầu tiên được đánh giá nằm trong Top 9 bộ, ngành có kết quả giải ngân 6 tháng tốt nhất.


Được biết, năm 2020, bên cạnh khoản vốn đầu tư công trị giá 40.000 tỷ đồng được giao từ đầu năm, ngành GTVT sẽ phải tiếp nhận thêm khoảng 20.000 tỷ đồng đối với 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi sang đầu tư công; Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; 2 dự án nâng cấp, cải tạo 2 đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Thách thức là rất lớn bởi toàn bộ các dự án này vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư - những bước đi đầu tiên để triển khai một dự án đầu tư xây dựng cơ bản.


Để hoàn thành kế hoạch giải ngân, Bộ GTVT đang tận dụng tối đa các dư địa từ các công trình đang triển khai thi công, có khả năng tiêu thụ vốn lớn như: 3 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công; các dự án cải tạo, nâng cấp cầu đường sắt… Tuy nhiên, bên cạnh một số ít dự án “ra tấm, ra món”; ngành GTVT sẽ phải hoàn thành kế hoạch giải ngân tại 92 dự án sử dụng vốn ngân sách trong nước; 68 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ; 38 dự án sử dụng vốn vay ODA, trong đó nhiều dự án chỉ được giao vài tỷ đồng kế hoạch vốn.


Để gạn từng đồng vốn được giải ngân, ông Huy cho biết là đã kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT xem xét không tiếp tục giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các chủ đầu tư nhiều lần bị nhắc nhở do chậm trễ trong xử lý thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhưng không có chuyển biến, như Sở GTVT KonTum (tuyến tránh KonTum, Quốc lộ 24), Sở GTVT Hòa Bình (đường kết nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12B đi Quốc lộ 1)…


Ủng hộ đề xuất này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, dù Bộ GTVT lọt top bộ, ngành giải ngân cao, tuy nhiên, công việc phía trước còn rất lớn, khi 6 tháng cuối năm, tổng số tiền phải giải ngân lên tới hơn 25.000 tỷ đồng.


“Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với lãnh đạo các địa phương, làm rõ tiến độ, chất lượng từng dự án. Dự án nào chậm là điều chỉnh vốn. Với các đơn vị trực thuộc Bộ, từ tháng 7/2020, sẽ thực hiện ngay việc tăng vốn cho các dự án giải ngân tốt. Dự án nào chậm, dứt khoát điều chỉnh vốn. Mục tiêu nhất quán đặt ra là hoàn thành giải ngân 100% vốn Nhà nước đúng theo kế hoạch”, lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo.


Nguồn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét