Đánh giá về ý nghĩa, cơ hội và những thách thức với kinh tế Việt Nam khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi, Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định, dài hạn cho Việt Nam.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương. |
Thưa Bộ trưởng, RCEP vừa được ký kết là một FTA có quy mô lớn nhất thế giới. Khi đi vào thực thi, hiệp định này có tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. Trước tình hình đại dịch Covid-19 gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định, dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của nước ta.
Cụ thể, với các cam kết tại RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp cận khu vực thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27.000 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia, cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
RCEP có quy định rằng, 18 tháng sau khi có hiệu lực, các nước khác có quan tâm và mong muốn tham gia Hiệp định có thể nộp đơn xin tham gia. Do đó, quy mô thị trường RCEP vẫn mở và có thể thêm thành viên mới trong tương lai.
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao. Vậy họ sẽ gặp khó khăn như thế nào khi cạnh tranh với doanh nghiệp của các thành viên RCEP?
Các nền kinh tế trong RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam. Trong khi đó, chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. Vì vậy, khi Hiệp định có hiệu lực, thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng với doanh nghiệp Việt Nam.
Chưa kể, đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhất định vào nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế, mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu còn khá khiêm tốn.
Tuy nhiên, kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua cho thấy, khả năng của Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị mới thiết lập trong khu vực ngày càng tăng lên cùng với việc chúng ta có những đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư.
Quy tắc xuất xứ trong RCEP có được coi là “dễ thở” hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đi vào thực thi không, thưa Bộ trưởng?
Theo quy tắc xuất xứ của RCEP, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu ở một trong 2 trường hợp sau: hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên và hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ, nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng.
Trong Quy tắc cụ thể mặt hàng, ngoài việc áp dụng quy tắc hàm lượng giá trị giá khu vực (RVC) hoặc quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), một số dòng hàng hóa chất thuộc các Chương 29 và 38 được áp dụng Quy tắc phản ứng hóa học tương đương với quy tắc RVC hoặc CTC.
Đâu là những điểm mới trong cam kết tại RCEP so với các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA)?
Các cam kết của Việt Nam trong RCEP được xây dựng trên cơ sở các cam kết của Việt Nam trong WTO và các hiệp định giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã cùng ASEAN tham gia. Trong khi đó, CPTPP và EVFTA là các FTA thế hệ mới.
RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với một số nước ASEAN vẫn là nước kém phát triển. Do vậy, RCEP có nhiều linh hoạt cho các nước tham gia hơn; các nước tham gia Hiệp định cũng xác định đây là bước đi ban đầu, hướng đến các mức độ hợp tác cao hơn.
Trong quá trình đàm phán RCEP, các nước đã nỗ lực và thống nhất một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các FTA của ASEAN trước kia như thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ, với nội dung và mức cam kết phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và các nước ASEAN khác. Các nội dung mới này đã có và được đề cập ở mức độ cao hơn trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét