Với mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội trong làn sóng thu hút FDI hậu Covid-19, buổi tọa đàm: "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" tổ chức mới đây tại Hà Nội đã thu hút chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo hàng trăm doanh nghiệp tham gia.
Các diễn giả tại Tọa đàm. |
Diễn giả của hội thảo gồm GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE); ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch VAFIE; TS. Phan Hữu Thắng, nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài và ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse.
Sự chuyển dịch đơn hàng - “cửa sáng” để thu hút đầu tư FDI
TS. Phan Hữu Thắng nhìn nhận, cách đây vài năm, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã có sự dịch chuyển đầu tư FDI. Dưới sự tác động đại dịch Covid-19, thị trường các nước thay đổi, nhà đầu tư nước ngoài giảm bớt rót vốn Trung Quốc tránh rủi ro và chuyển sang hướng khác, trong đó có Việt Nam.
Trong làn sóng đầu tư mới này, Việt Nam có cơ hội lớn khi huy động toàn bộ máy thực hiện 5 mũi giáp công: Thúc đẩy đầu tư trong nước; tăng cường thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng trong nước.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm nay thì ở một khía cạnh khác, Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi nhờ các chỉ số tài chính ổn định, dự đoán là điểm đến đầu tư FDI tiềm năng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đặt lên bàn cân cơ hội khi Việt Nam gia nhập WTO và hậu Covid-2019, ông Thắng dự báo: “Sẽ không có sự nhảy vọt như sau WTO 2007, nhưng Việt Nam có duy trì được mức thu hút FDI không phụ thuộc vào giải pháp sắp tới”.
Đứng từ góc nhìn doanh nghiệp, theo ông Phú, có 3 xu hướng dịch chuyển vốn FDI: Dịch chuyển nhà máy khó thực hiện vì phức tạp; công ty mẹ đầu tư thêm cũng không khả thi do bản thân công ty mẹ cần bảo toàn; dịch chuyển đơn hàng là làn sóng dễ nhất.
Ông Phú mong đợi và hy vọng lần đón vốn này được tiến hành hiệu quả và có chiều sâu. Lấy ví dụ từ Sunhouse, ông Phú thông tin, năm 2003, công ty nhận đầu tư của Hàn Quốc nhưng người Việt vẫn nắm quyền kiểm soát. Sau đó, Sunhouse, từ một thương hiệu của Hàn Quốc, được mua lại và trở thành thương hiệu Việt.
"Phải tự chủ 80% GDP mới được coi là tự cường. Việc đứng giữa, chỉ nhập vào xuất ra, Việt Nam chỉ kiếm được 1 chút về nhân công, trong khi việc xử lý tồn dư hóa chất độc hại trong nước, trong đất từ quá trình này lại rất tai hại", ông Phú nhấn mạnh.
Cơ hội luôn đi kèm với thách thức và Việt Nam có nhiều đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong khu vực. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Malaysia, thậm chí Myanmar “trải thảm đỏ” đón tiếp nhà đầu tư nhờ ngoại giao, chuẩn bị quỹ đất lớn, chính sách tốt. Ngoài ra, Ấn Độ với lợi thế về dân số lên đến 1,3 tỷ dân, chất lượng lao động cao. Indonesia cũng có lợi thế về thị trường, đường hướng thu hút rõ ràng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư FDI cũng có nhiều vấn đề, cần doanh nghiệp tỉnh táo. "Họ kê khai máy móc thiết bị cao hơn giá thực, sau đó khấu hao sản phẩm, giảm lợi nhuận để không phải đóng thuế. Đây là một hình thức chuyển giá, ma trận mà quốc gia nào khi thu hút FDI phải chú ý", ông Toàn nói.
Ngay trong nội tại doanh nghiệp Việt cũng tồn đọng nhiều điểm cần khắc phục. Ông Phú chỉ ra, đó là kỷ luật trong sản xuất chưa cao, chưa đủ điều kiện đáp ứng về quy trình quản lý chất lượng, an toàn lao động…
Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu: Con đường hiệu quả nhất để hút vốn FDI
Từ cơ hội và thách thức trên, GS.TSKH Nguyễn Mại hiến kế, biện pháp quan trọng nhất là nâng cao năng lực của các bộ phận tham mưu bao gồm các sở ban ngành của tỉnh, cơ quan của ban quản lý để tham mưu cho các ban quản lý biết cách lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư phù hợp định hướng mới đã được Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài.
Đồng quan điểm với GS.TSKH Mại, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, đầu tư nước ngoài phải có chỉ đạo sát. Tổ công tác phải giao nhiệm vụ cụ thể, giống như chống dịch Covid-19, tạo ra sự đồng thuận để toàn bộ hệ thống chính trị hiểu rõ vai trò của đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần có “màng lọc” nhà đầu tư nước ngoài chất lượng. Đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như Trí tuệ nhân tạo, robot, như big data, fintech… và tiếp cận được nhà đầu tư châu Âu và Mỹ sẽ phải là mục tiêu hướng tới.
Ngoài ra, phải cải cách nhanh hơn, đồng bộ hơn để tránh tình trạng “thủ trưởng rất nhiệt huyết nhưng công chức cứ bình bình”, tạo guồng quay chuyển động liên tục giữa bộ máy, công chức, doanh nghiệp, người lao động, tích cực vào cuộc cải cách này.
Khi nhà nước đã “trải thảm đỏ”, nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải có tầm nhìn và lớn lên để hội nhập.
Trải qua 20 năm trên thương trường, ông Phú bộc bạch: "Đã nói về cạnh tranh, chúng ta chạy nhưng người ta thậm chí còn chạy nhanh hơn chúng ta. Nếu cứ làm theo kiểu con hát mẹ khen hay thì không bao giờ biết mình đang ở đâu”.
Vì vậy, Sunhouse đã chuyển mình trong khó khăn để nắm bắt cơ hội: chuyển từ mô hình từ tập trung vào số lượng sang chất lượng. Sunhouse làm chủ chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào với nhà máy cơ ngơi hiện đại 1.000m2. “Chúng tôi còn phải thuê chuyên gia từng làm Nghiên cứu và Phát triển của CukCoo sang làm việc với mức lương tương đương lương huấn luyện viên Park Hang Seo để thay đổi toàn diện", ông Phú chia sẻ.
Ông Phú đặc biệt nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất là doanh nghiệp hãy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp phải tăng cường hệ thống quản lý chất lượng, tạo ra sản phẩm phục vụ tập đoàn đa quốc gia; quản lý toàn diện; tuân thủ luật pháp; nâng cao năng lực người lao động; chuẩn bị mặt bằng hệ thống sản xuất.
Chủ tịch Sunhouse cũng bày tỏ quan ngại, nếu tình trạng phong tỏa kéo dài, Việt Nam có thể sẽ bị tụt hậu. Vì vậy, ông đề xuất thời gian tới, nhà nước cần những biện pháp quản trị dịch bệnh tốt để có thể mở cửa và nắm bắt những cơ hội mới. “Một cô gái đẹp sinh ra ở núi rừng, không chủ động tham gia thi hoa hậu thì không ai biết mình đẹp”, Chủ tịch Sunhouse ví von.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét