Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Dự án Tuyến metro số 1 Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội: Đong đếm chuyện đền bù nhà thầu


Trong khi hầu hết các gói thầu xây lắp thuộc Dự án Tuyến metro số 1 Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội vẫn đang thi công dang dở, thì UBND TP. Hà Nội đã phải tính toán chi phí bổ sung cho các nhà thầu do lỗi kéo dài hợp đồng.

Tiến độ hầu hết các gói thầu xây lắp của Dự án Tuyến metro số 1 Hà Nội đều bị vỡ rất sâu. Ảnh: Đ.T
Tiến độ hầu hết các gói thầu xây lắp của Dự án Tuyến metro số 1 Hà Nội đều bị vỡ rất sâu. Ảnh: Đ.T

Đồng loạt vỡ tiến độ


Theo thông tin của Báo Đầu tư, UBND TP. Hà Nội vừa phải phát công văn tham vấn các bộ, ngành: Xây dựng, Giao thông - Vận tải (GTVT), Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp liên quan giải quyết vướng mắc trong việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và bổ sung chi phí do kéo dài thời gian của các gói thầu xây lắp thuộc Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (Dự án Tuyến metro số 1 Hà Nội).


Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn chủ đầu tư phương pháp, nguyên tắc lập, điều chỉnh thời gian và dự toán chi phí bổ sung do phải kéo dài thời gian thực hiện các gói thầu xây lắp tại Dự án Tuyến metro số 1 Hà Nội.


Được biết, “căn bệnh” chung tại dự án này chính là việc tiến độ của hầu hết các gói thầu xây lắp bị vỡ rất sâu, khiến chủ đầu tư - Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội buộc phải đàm phán với các nhà thầu quốc tế điều chỉnh hợp đồng để hoàn thành công trình.


Trong Công văn số 2468/UBND-ĐT do ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký, cơ quan chủ quản cho biết, Dự án Tuyến metro số 1 Hà Nội được chia thành 9 gói thầu chính, trong đó có 5 gói thầu xây lắp và 4 gói thầu thiết bị.


Các gói thầu này đều được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế, theo quy định của hiệp định vay sử dụng mẫu hợp đồng của Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) bản hài hòa 2010, đã được ký kết và đang trong quá trình triển khai. Tính đến đầu tháng 6/2020, sau hơn 10 năm kể từ ngày khởi công gói thầu đầu tiên, Dự án mới đạt khoảng 62% khối lượng, trong đó, đoạn đi trên cao đạt 73,28%. Mục tiêu mà UBND TP. Hà Nội đặt ra cho công trình đường sắt đô thị này là phải khai thác trước đoạn trên cao trong năm 2021 và toàn tuyến vào năm 2022.


Trong khi đó, theo kế hoạch ban đầu, Dự án Tuyến metro số 1 Hà Nội dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, đầu năm 2017, UBND TP. Hà Nội báo cáo Chính phủ xin lùi tiến độ đến sau năm 2021, đồng thời, tổng mức đầu tư Dự án cũng được điều chỉnh tăng từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR.


Những lý do mà cơ quan chủ quản đưa ra để giải thích cho việc tiến độ và chi phí đầu tư Dự án buộc phải điều chỉnh là do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ; công trình phức tạp về kỹ thuật, công nghệ; không đồng bộ về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đơn giá…


Những yếu tố khách quan, chủ quan thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư này đã khiến hầu hết các gói thầu đều phải kéo dài thời gian thực hiện. Đồng thời, các nhà thầu quốc tế tại Dự án liên tục dẫn chiếu theo các điều khoản hợp đồng ký kết, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung chi phí rất lớn để hoàn tất các khối lượng theo hợp đồng.


Rủi ro pháp lý lớn


Được biết, trong số các gói thầu xây lắp thuộc Dự án Tuyến metro số 1 Hà Nội, Gói thầu CP01 “Tuyến - đoạn trên cao” có thời gian gia hạn hợp đồng dài nhất, chi phí bổ sung lớn nhất. Gói thầu này được Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội ký với Công ty TNHH Dealim (Hàn Quốc), thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng kể từ ngày khởi công (ngày 4/7/2014). Tại hợp đồng này, hai bên thống nhất, tối đa sau 30 ngày kể từ ngày khởi công, chủ đầu tư phải cho nhà thầu quyền tiếp cận và sở hữu toàn bộ các phần của công trường.


Do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời các công trình, nên chủ đầu tư đã chậm bàn giao công địa cho Dealim khoảng 18 tháng so với cam kết trong hợp đồng.


Ngoài ra, do vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thủ tục tạm ứng để khởi công Gói thầu CP08 “Hệ thống đường sắt 3” đã làm chậm bàn giao dữ liệu từ Gói thầu CP08 cho Gói thầu CP01, dẫn đến Gói thầu CP01 bị chậm thêm 9 tháng so cam kết trong hợp đồng. Tính tổng cộng, Gói thầu CP01 phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng là 26,5 tháng.


Trên cơ sở dẫn chiếu các điều khoản hợp đồng, vào đầu năm 2018, Dealim đã đề xuất kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng thêm 26,5 tháng và đề nghị chủ đầu tư bổ sung 19,1 triệu USD. Sau một thời gian dài đánh giá, tham vấn các đơn vị tư vấn, giá trị bổ sung do kéo dài thời gian thực hiện Gói thầu CP01 được chủ đầu tư tạm chốt là 6,608 triệu USD, giảm 12,578 triệu USD so với kiến nghị của nhà thầu.


Đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, giá trị bổ sung nêu trên được sử dụng từ dự toán gói thầu đã được phê duyệt hồi tháng 8/2012 của chủ đầu tư, đảm bảo không vượt giá trị dự toán cũng như tổng mức đầu tư Dự án.


Không chỉ gói thầu CP01, hiện chủ đầu tư cũng đã phải thống nhất kéo dài thời gian thực hiện thêm 21 tháng so với hợp đồng gốc và bổ sung 1,47 triệu EUR chi phí cho Công ty Colas Rail (Pháp) tại Gói thầu CP07 - Hệ thống đường sắt 2.


Theo UBND TP. Hà Nội, trong quá trình đàm phán, với sự khác biệt lớn liên quan đến các khoản chi phí cần phải bù đắp, nhà thầu CP07 nhiều lần có văn bản thông báo ý định dừng thi công để gây sức ép với chủ đầu tư.


Bên cạnh đó, Gói thầu CP02 - Các ga trên cao cũng sẽ phải kéo dài thời gian thực hiện thêm 24 tháng. Giá trị bổ sung mà Posco E&C (Hàn Quốc) yêu cầu cho việc hoàn tất Gói thầu CP02 là 7,22 triệu USD. Hiện tư vấn và chủ đầu tư đang trong quá trình đánh giá, đàm phán với nhà thầu.


Các gói thầu còn lại gồm: CP03, CP05, CP06, CP08… cũng đều trong tình trạng phải kéo dài thời gian, bổ sung chi phí. Hiện chủ đầu tư đang tiếp tục phối hợp với tư vấn của Dự án (Tập đoàn Systra) thương thảo với các nhà thầu về hồ sơ điều chỉnh thời gian Dự án và bổ sung chi phí do kéo dài thời gian theo các nguyên tắc của hợp đồng.


Theo ông Nguyễn Thế Hùng, hiện nay, việc bổ sung chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng chưa được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể cũng như chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Việc đàm phán với các nhà thầu trong thời gian qua đều phải dựa vào mẫu hợp đồng FIDIC và kết quả thẩm định của tư vấn thẩm tra.


Do vậy, tính đến thời điểm này, chủ đầu tư chưa thể thanh toán chi phí bổ sung cho các nhà thầu và đề nghị các nhà thầu chờ đến khi có kết quả kiểm toán Dự án của Kiểm toán Nhà nước, thì mới thanh quyết toán. Tuy nhiên, các nhà thầu đều không chấp thuận và yêu cầu thành lập Ban Hòa giải, tiến tới khiếu kiện vấn đề này lên Trọng tài quốc tế, đồng thời, dừng huy động công trường nếu việc thanh toán không được giải quyết sớm.


“Việc xử lý tranh chấp hợp đồng qua Trọng tài quốc tế sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho Dự án, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Chính phủ cũng như công tác đối ngoại đối với các dự án, công trình trọng điểm sử dụng nguồn vốn ODA quốc gia”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội lo ngại.


Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội

Dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm

Đi qua các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm

Khởi công tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017

Đầu năm 2017, UBND TP. Hà Nội báo cáo lùi tiến độ đến sau năm 2021.


Nguồn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét