Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Lệch quan điểm về hướng triển khai các dự án vành đai vùng Thủ đô và Tp.HCM

Sơ đồ qui hoạch cầu Mễ Sở và đường Vành đai 4 nối Thường Tín (Hà Nội) với Văn Giang (Hưng Yên). (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn).
Sơ đồ qui hoạch cầu Mễ Sở và đường Vành đai 4 nối Thường Tín (Hà Nội) với Văn Giang (Hưng Yên). (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn).

Theo Bộ Tài chính, đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam Quốc lộ 18 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1287/QĐ- TTg ngày 29/7/2011 phải đầu tư hoàn thành trước năm 2020, trong đó UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan tiến hành lập dự án, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các tuyến trên địa bàn và là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu đầu tư theo hình thức PPP.


Đường Vành đai 3 – Tp.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 phải đầu tư hoàn thành trước năm 2020, trong đó Bộ GTVT là cơ quan tiến hành lập, phê duyệt dự án đầu tư và bàn giao cho các địa phương để chủ động kêu gọi, huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất; UBND các tỉnh, thành phố tổ chức quản lý quỹ đất và triển khai những dự án thành phần có đủ điều kiện.


Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc Bộ GTVT đề xuất giao Bộ GTVT chủ trì triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (mỗi vành đai vùng là 1 dự án quan trọng quốc gia) trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện đầu tư là chưa phù hợp với các Quyết định nêu trên.


Để thấy rõ các tồn tại cần xử lý, Bộ GTVT đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các địa phương liên quan đánh giá lại một số vấn đề khi thực hiện đường vành đai 4, 5 vùng Thủ đô Hà Nội; 3, 4 vùng Tp.HCM (nguyên nhân chậm tiến độ; khả năng huy động nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch đã được duyệt, cần phải gắn quy hoạch đường vành đai với quy hoạch vùng và quy hoạch của Thành phố.


Bộ Tài chính khẳng định, việc Bộ GTVT đề xuất nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là không còn phù hợp do hiện nay nguồn trái phiếu Chính phủ đã được hòa chung vào ngân sách nhà nước),...)


Dẫn Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Quyết định số 1698/QĐ- TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 Tp.HCM, Bộ Tài chính nhấn mạnh Bộ GTVT chủ trì đầu tư các đoạn tuyến đi trùng quốc lộ, tuyến cao tốc đối với đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô Hà Nội và có trách nhiệm phối hợp với các bộ, địa phương để cân đối phân bổ vốn ngân sách hàng năm, huy động vốn ODA và các nguồn vốn khác để thực hiện đầu tư đối với đường Vành đai 4 – Tp.HCM; UBND các tỉnh, thành phố liên quan căn cứ quy hoạch và dự án đầu tư được phê duyệt có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.


Như vậy, theo quy định trên, hệ thống vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 4 – Tp.HCM do cả trung ương và địa phương đầu tư. Việc tiếp tục thực hiện hệ thống vành đai theo quy hoạch được duyệt thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT và các địa phương liên quan.


“Vì vậy, việc đề xuất các địa phương ưu tiên bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 như kiến nghị của Bộ GTVT là chưa đầy đủ”, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá.


Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT, các địa phương liên quan tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt; ưu tiên bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được cấp thẩm quyền thông qua để triển khai các dự án.


Trước đó, vào cuối tháng 6/2020, Bộ GTVT đã có công văn gửi Thủ tướng báo cáo việc triển khai đầu tư hệ thống đường vành đai vùng Thủ đô và vùng Tp.HCM.


Theo Bộ GTVT, sau 9 năm từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3, 4 – vùng Tp.HCM, sau 6 năm phê duyệt quy hoạch đường vành đai 5 – vùng Thủ đô Hà Nội, tiến độ triển khai đầu tư các tuyến vành đai vùng không đáp ứng yêu cầu của quy hoạch nên hiện nay nhiều tuyến đường đô thị phải đảm nhận chức năng vừa là đường đô thị vừa là tuyến đường đối ngoại cho các phương tiện vận tải của các tỉnh xung quanh quá cảnh đi qua, dẫn đến ùn tắc giao thông như đường vành đai 3 - TP Hà Nội, đường vành đai 2 – Tp.HCM và không đạt được mục tiêu phát triển hệ thống đô thị kết nối với các tuyến vành đai để giảm áp lực dân số nội đô.


Bộ GTVT cho rằng, đối với đường vành đai 3 - vùng Tp. HCM; đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội lẽ ra phải đầu tư hoàn thành trước năm 2020 nên hiện nhu cầu đầu tư đã rất cấp bách, để bảo đảm tính đồng bộ, sớm hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển đô thị, giải quyết ách tắc tai nạn giao thông. Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (mỗi vành đai vùng là 1 dự án quan trọng quốc gia) trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện đầu tư.


Đối với đường vành đai 4 – Tp.HCM, vành đai 5 - vùng Hà Nội, Bộ GTVT đề xuất tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện theo quy hoạch như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương có liên quan đến các đường vành đai vùng rà soát quy mô, ưu tiên bố trí nguồn lực giai đoạn 2021-2025 để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các đoạn tuyến theo nhiệm vụ được giao trong quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương để đầu tư dự án.


Nguồn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét