Nếu đề xuất về giao thầu của Bộ GTVT được thông qua, có thể khởi công 2 dự án cấp bách này vào cuối tháng 6/2020. Trong ảnh: Đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài. Ảnh: Đ.T |
Cần cơ chế đặc biệt
Cho đến thời điểm này, các đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao nhiệm vụ chủ đầu tư 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất sử dụng vốn đầu tư công đang phải chạy đua với thời gian để hoàn tất các công tác chuẩn bị đầu tư.
Tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 10/5/2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, hoàn thành các thủ tục để khởi công 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất trong tháng 6/2020.
Trong khi đó, theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, đến thời điểm này, Chính phủ chưa cho chủ trương giao thầu hay chỉ định, đấu thầunhà thầu xây lắp. “Bộ GTVT đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ sớm cho chủ trương đối với các vấn đề quan trọng này trong 1 - 2 tuần tới”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Trước đó, cuối tháng 4/2020, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ này được triển khai 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 43, Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng.
Nếu đề xuất trên được thông qua, Bộ GTVT sẽ được quyền quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện và được giao thầu có tiết kiệm 5% so với dự toán (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng đến giai đoạn hoàn thành, qua đó có thể khởi công 2 dự án cấp bách này vào cuối tháng 6/2020.
Như vậy, theo quy định tại khoản 2, Điều 130, Luật Xây dựng; điểm a, khoản 2, Điều 43, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ, Bộ GTVT được tự quyết định trình tự khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng phù hợp với yêu cầu về tình trạng khẩn cấp; tự quyết định về trình tự thực hiện đầu tư xây dựng và hình thức quản lý dự án...
Tuy nhiên, đối với nội dung giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 43, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép.
Một điểm rất thuận lợi là các đề xuất của Bộ GTVT để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án đã nhận được sự đồng thuận cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong Công văn số 3123/BKHĐT-QLĐT gửi Văn phòng Chính phủ góp ý kiến về việc thực hiện 2 dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đề xuất tổ chức lựa chọn nhà thầu đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đặc thù, cấp bách là phù hợp với quy định tại Điều 26, Luật Đấu thầu.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý chủ đầu tư 2 dự án, trong mọi trường hợp, nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, có giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu gói thầu. Vốn cho dự án phải được bố trí đúng quy định của pháp luật.
Ngặt nghèo tiến độ
Có nhiều lý do khiến đề xuất được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) có ý nghĩa quan trọng đối với 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cảng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Theo Công ty TNHH một thành viên Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), nếu tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn và nhà thầu xây lắp 2 dự án theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định..., tương tự các dự án đầu tư công thông thường, thì chỉ có thể khởi công vào cuối tháng 12/2020. Nếu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, thì rút ngắn được khoảng 2 tháng và dự kiến khởi công cuối tháng 10/2020. Đối với trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu), thì 2 dự án có thể khởi công cuối tháng 6/2020, nếu các công tác chuẩn bị khác bám sát kế hoạch đề ra.
Được biết, do tính chất rất đặc thù và yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiến độ, an toàn bay…, nên tại Việt Nam, số lượng các nhà thầu có thể đảm nhận việc thi công cải tạo, nâng cấp 2 đường cất hạ cánh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất không nhiều. Ngoài Tổng công ty Xây dựng hàng không (ACC); Tổng công ty Trường Sơn (thuộc Bộ Quốc phòng), chỉ có một vài nhà thầu dân sự khác như Cienco4, Cienco6...
Trong khi đó, tần suất khai thác tại các đường cất hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã vượt tần suất tính toán theo thiết kế; đang khai thác với tần suất lớn các loại tàu bay thế hệ mới như A350-900, B787-9 (10), B777-9 có tải trọng bánh đơn và áp suất bánh hơi tác dụng đến mặt đường lớn hơn các loại tàu bay tính toán, dẫn đến các đường cất hạ cánh, đường lăn tại cảng hàng không bị xuống cấp ngày càng nhanh.
Nếu không có các giải pháp tổng thể, đồng bộ, sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát tình trạng hư hỏng, bong bật mặt đường đột xuất khi tàu bay lăn, cất hạ cánh, tạo ra FOD (vật thể lạ) va chạm vào tàu bay, gây hư hỏng cháy nổ, ảnh hưởng đến an toàn bay, có thể phải đóng cửa đường cất hạ cánh bất cứ lúc nào để sửa chữa.
Vì vậy, việc sớm triển khai thực hiện 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh vào cuối tháng 6/2020 hoặc đầu tháng 7/2020 là cần thiết, đặc biệt vào thời điểm này, tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng hàng không rất thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
“Sau thời điểm hết dịch, kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh, nhu cầu đi lại, giao thương cũng tăng theo, tình trạng quá tải sẽ trở nên nghiêm trọng, việc đóng cửa đường cất hạ cánh để thực hiện cải tạo, nâng cấp sẽ càng thêm khó khăn”, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đánh giá.
Được biết, dù vẫn phải đợi Chính phủ chấp thuận các cơ chế đặc biệt, nhưng tại Bộ GTVT, công tác chuẩn bị triển khai 2 dự án đang diễn ra rất gấp gáp. Ban Quản lý dự án Thăng Long (đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị Dự án Nội Bài) và Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị Dự án Tân Sơn Nhất) được giao phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để sớm có quyết định giao vốn và cho phép giao thầu thực hiện dự án theo đúng quy định.
Bộ GTVT cũng đã cơ bản thống nhất đề xuất của đơn vị tư vấn về phương án thiết kế kết cấu mặt bằng đường bê tông xi măng, nhưng vẫn yêu cầu PMU Thăng Long, Tổng công ty Cửu Long phối hợp với tư vấn rà soát, đánh giá các phương án kết cấu khác để lựa chọn được phương án tối ưu.
Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT) được giao tham mưu phương án phân chia gói thầu, biện pháp tổ chức thi công, nghiệm thu phù hợp…, đảm bảo tối ưu trong điều kiện vừa thi công vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay, trong đó đối với đường cất hạ cánh 25R/07L Tân Sơn Nhất phấn đấu hoàn thành khai thác trong tháng 12/2020; hoàn thành tối thiểu 3.000 m đường cất hạ cánh 1B Nội Bài để đưa vào khai thác với các điều kiện hạn chế theo quy định cho phép trong tháng 12/2020.
“Ban cán sự Đảng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ căn cứ tiến độ, chất lượng hoàn thành 2 dự án để đánh giá cán bộ năm 2020 đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Theo tính toán của Tư vấn ADCC, Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.296 tỷ đồng và Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 2.058 tỷ đồng. Theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Luật Đầu tư công năm 2019, thì các dự án trên thuộc loại nhóm B.
Được biết, Bộ GTVT vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho 2 dự án cải tạo đường hạ cất cánh và đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2019.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét