Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Ngã rẽ mới tại Dự án BOT cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Thi công nền đường K95 cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đoạn qua địa bàn huyện Tiên Yên. Ảnh: Đỗ Phương
Thi công nền đường K95 cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đoạn qua địa bàn huyện Tiên Yên. Ảnh: Đỗ Phương

Cần phao hỗ trợ


Theo thông tin của Báo Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.


Đây là dự án do UBND tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với mục tiêu xây dựng tuyến cao tốc dài 80,23 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Dự án có điểm đầu tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn và điểm cuối nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II, TP. Móng Cái.


Công trình có tổng mức đầu tư 11.195 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 10,67%, phần còn lại là vốn vay thương mại (10.001 tỷ đồng). Thời gian hoàn vốn dự kiến là 19,86 năm. Theo ấn định của UBND tỉnh Quảng Ninh, Dự án sẽ hoàn thành sau 22 tháng thi công với mốc khởi công công trình là tháng 4/2019.


Trong Công văn số 2874/UBND-GT1 ngày 5/5/2020 do ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ký, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị Thủ tướng cho phép tách Dự án thành 2 dự án độc lập.


Cụ thể, UBND Quảng Ninh xin điều chỉnh giảm quy mô Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,23 km thành Dự án đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái với chiều dài 63,26 km. Tổng mức đầu tư của dự án điều chỉnh là 9.032 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu, vốn vay tín dụng của nhà đầu tư khoảng 8.422 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư các công trình phụ trợ khoảng 610 tỷ đồng.


Đối với đoạn tuyến còn lại, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ lập thành Dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, dài 16,08 km, có tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng, được đầu tư bằng hình thức đầu tư công. Tính tổng cộng, để hoàn thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo phương án điều chỉnh, kinh phí ngân sách nhà nước sẽ lên tới 5.732 tỷ đồng, gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng.


“UBND tỉnh Quảng Ninh cam kết đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ với Dự án BOT”, ông Thắng cho biết. Cũng theo ông Thắng, đây là thay đổi cần thiết để khơi thông thế bế tắc tại Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.


Được biết, sau hơn 1 năm triển khai, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn mới tiến hành thi công phát quang, dọn dẹp mặt bằng, đào đắp nền đường… với khối lượng thực hiện khoảng 266 tỷ đồng. Tiến độ này là rất đáng thất vọng bởi địa phương đã gần như bàn giao đầy đủ mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công.


Thay đổi nhiều biến số


Dự án bị mất động lực do doanh nghiệp dự án không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, dù đã khởi động quá trình đàm phán từ nhiều năm trước đó.


Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 88/2018/TT-BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án PPP, đã xuất hiện độ chênh lệch lớn giữa lãi suất vốn vay trong hợp đồng BOT mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết với nhà đầu tư vào tháng 9/2018 (7,728%/năm) với quy định của Bộ Tài chính (10,5 - 11%/năm) có hiệu lực từ ngày 12/11/2019. Vướng mắc liên quan đến điều khoản chuyển tiếp để điều chỉnh Hợp đồng dự án đã dẫn đến việc các tổ chức tín dụng không thực hiện thẩm định vay vốn.


Trong khi đó, việc thay đổi định hướng về phát triển Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, cũng như những thay đổi trong quy hoạch, triển khai các dự án tại Khu kinh tế Móng Cái và chính sách biên mậu đã ảnh hưởng lớn đến lưu lượng phương tiện trên tuyến, khiến cả nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ phải thận trọng hơn với phương án tài chính của Dự án.


Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng muốn nâng ngay tốc độ khai thác tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái từ 100 km/h lên 120 km/h, khiến Dự án phát sinh thêm chi phí khoảng 250 tỷ đồng.


Với những biến động nói trên, VietinBank - ngân hàng đầu mối thẩm định, cho vay vốn Dự án đã yêu cầu doanh nghiệp dự án báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ bổ sung nguồn vốn ngân sách để giảm bớt áp lực chi phí tài chính. Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần có giải pháp tài chính/phi tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp dự án nhằm đảm bảo khả năng trả nợ khi nguồn thu Dự án không đạt như phương án tài chính.


Theo một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ Giao thông - Vận tải), đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh tuy có thể giúp tăng tính khả thi cho Dự án, nhưng vẫn cần được các cơ quan liên quan đánh giá thận trọng bởi nó làm thay đổi toàn bộ cấu trúc Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.


“Dự án BOT Tiên Yên - Vân Đồn cũng cần được xem là một dự án mới, vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh cần sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền trước khi tiến hành đàm phán, ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cũ”, vị chuyên gia này cho biết.


Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khi vận hành sẽ tạo thành trục cao tốc “xương sống” dọc tỉnh với tổng chiều dài gần 200 km, rút ngắn thời gian từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn gần một giờ (hiện tại là hai giờ). Tuyến sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại các địa phương có tuyến cao tốc đi qua (Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái...)

Nguồn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét