Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh |
“Đầu tư Việt Nam - cơ hội vàng 10 năm có một”
Thông tin vừa được ông Lê Quang Tuấn, đại diện xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Đài Loan cho biết, một chương trình talkshow với chủ đề “Đầu tư Việt Nam - cơ hội vàng 10 năm có một”, vừa được USTV, kênh truyền hình lớn của Đài Loan thực hiện. Ông Lê Quang Tuấn đã xuất hiện tại chương trình với vai trò khách mời, để nói về các thông tin kinh tế, môi trường đầu tư Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà USTV thực hiện chương trình này. Lý do là để phục vụ nhu cầu tìm hiểu ngày càng tăng cao về địa điểm đầu tư Việt Nam của các nhà đầu tư Đài Loan.
Tại buổi talkshow, đại diện Ngân hàng CTBC (Đài Loan) cho biết, rất nhiều khách hàng của ngân hàng này đã và đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam nhằm tránh tác động của chiến tranh thương mại. Bên cạnh đó, theo CTBC, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng là vấn đề được doanh nghiệp Đài Loan quan tâm. Đây chính là một lợi thế mà các nhà máy tại Trung Quốc, Đài Loan hoặc các quốc gia khác tại ASEAN không có.
“Ngoài các yếu tố trên, việc các tập đoàn muốn bố trí lại chuỗi sản xuất toàn cầu, nhằm tránh sự đứt gãy nguồn cung ứng do phụ thuộc vào một địa điểm sản xuất như vừa qua cũng đã mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam”, ông Lê Quang Tuấn nói.
Trên thực tế, điều này cũng đã được nhắc tới lâu nay. Làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam là có thật. Mới đây, một loạt doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm địa điểm để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
Cũng bởi thế, bất chấp dòng đầu tư toàn cầu đang suy giảm vì Covid-19, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 7 tháng qua vẫn tăng.
Chỉ trong tháng 7/2020, đã có một loạt dự án được cấp chứng nhận đầu tư. Chẳng hạn, Dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây (Hàn Quốc) ở Hà Nội điều chỉnh vốn đầu tư thêm 774 triệu USD; Dự án mở rộng Nhà máy Sản xuất linh kiện điện từ INTC giai đoạn II của Công ty TNHH INTC (Hàn Quốc) tại Phú Thọ, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Bao bì nước giải khát CROWN Vũng Tàu (Singapore), tổng vốn đầu tư 130 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Hyosung Financial System Vina (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư 110 triệu USD tại Bắc Ninh…
Tất nhiên, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong hơn nửa đầu năm nay bị ảnh hưởng tiêu cực, vốn FDI giải ngân chỉ đạt 10,12 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ 2019, nhưng theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình hình vẫn khá tích cực. Đặc biệt, tháng 7/2020, vốn đầu tư vào Việt Nam đã tăng mạnh so với các tháng trước.
Cụ thể, trong tháng 7, cả nước đã thu hút được 3,15 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 76,2% so với tháng 6/2020.
Nếu không chuẩn bị tốt, nhà đầu tư chỉ đến “tìm hiểu”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến của ngành kế hoạch và đầu tư cách đây ít hôm cũng đã nói về các cơ hội “ngàn năm có một” để Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển.
Tuy nhiên, chính vị Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cũng nói rằng, không phải “cứ ngồi yên thì vốn đầu tư sẽ tự đến”, mà là phải có sự chuẩn bị thật tốt. Lý do là, các nhà đầu tư không chỉ đến Việt Nam, mà còn tới cả Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan để tìm hiểu.
“Nếu không chuẩn bị thật tốt, các tập đoàn sẽ chỉ đến khảo sát, đến tìm hiểu mà thôi, chứ không ra quyết định đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Sự chuẩn bị này, theo Bộ trưởng, là các địa phương phải chủ động trong phát triển hạ tầng, sẵn sàng đất đai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Trong khi đó, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã đề cập cụ thể hơn những việc mà các địa phương phải tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là, rà soát các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả... để thu hồi, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới, có nhu cầu dịch chuyển sản xuất.
Đồng thời, rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động, năng lượng... để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển.
“Các địa phương cũng phải chỉ đạo các cơ quan tại địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý các thủ tục về đầu tư kinh doanh; triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư. Đồng thời, chủ động tiếp cận, xúc tiến các tập đoàn, các dự án phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp với Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ thành lập, để có sự hỗ trợ kịp thời, đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và đúng định hướng”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói.
Các biện pháp khác cũng được đề cập, như xem xét kỹ, cẩn trọng việc nhà đầu tư nước ngoài mua lại các dự án đầu tư, các doanh nghiệp trong nước có tính chiến lược; đa dạng hóa hình thức và phương thức xúc tiến đầu tư; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc Tổ công tác nếu gặp khó khăn về hoàn thiện kết cấu hạ tầng, quỹ đất…
“Phải rà soát, xây dựng danh sách các khu công nghiệp, khu kinh tế đã chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, năng lượng..., có thể sẵn sàng tiếp nhận ngay các dự án trong dòng chuyển dịch, tái định vị sản xuất và công khai các thông tin này. Đồng thời, giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, kinh doanh đối với các dự án lớn dịch chuyển, tái định vị sản xuất để dự án sớm đi vào hoạt động”, Cục Đầu tư nước ngoài khuyến nghị.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét