Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

RCEP giúp Việt Nam tăng tốc thu hút đầu tư

Làm hàng tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Đức Thanh
Làm hàng tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Đức Thanh

Rộng cửa bước vào chuỗi giá trị toàn cầu


Cuối cùng, RCEP đã được ký kết sau 8 năm đàm phán. Mặc dù còn phải chờ đợi một thời gian nữa để 15 nước thành viên, bao gồm 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 5 đối tác (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) thông qua, song những đánh giá về tác động của RCEP tới kinh tế Việt Nam đã nhiều lần được khẳng định.


Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh còn nhắc đến chuyện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, khi RCEP được ký kết đúng vào thời điểm thế giới đang định vị, tổ chức lại các chuỗi cung ứng, trong khi các hoạt động đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển.


Trên thực tế, các cam kết liên quan đến mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan trong RCEP không có nhiều khác biệt. Với RCEP, Việt Nam không có những cam kết đi xa hơn cam kết trong khung khổ của các hiệp định thương mại tự do đã có với các đối tác, nhất là giữa ASEAN với các đối tác.


Tuy nhiên, các quy định về hài hóa các thủ tục xuất xứ hàng hóa trong RCEP lại mang đến thuận lợi không nhỏ cho Việt Nam, vốn là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Hàn Quốc, Trung Quốc các loại nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và luôn bị “làm khó” về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn trên thế giới.


Nhưng với RCEP, thông tin cho biết, doanh nghiệp Việt có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các nước thành viên để sản xuất hàng xuất khẩu. Chẳng hạn, có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may, da giàu từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.


Không chỉ với Việt Nam, các chuyên gia còn thống nhất cho rằng, RCEP là cơ hội thuận lợi cho tất cả các nước tham gia cơ cấu lại, định vị lại các chuỗi cung ứng và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Với RCEP, ASEAN đang kỳ vọng trở thành trung tâm của chuỗi sản xuất toàn cầu. Nếu làm được điều đó, cơ hội cho Việt Nam là không nhỏ.


“Việt Nam có cơ hội để định hình lại và có thể khai thác tốt hơn nữa các vị thế mới, từ đó xây dựng vị trí trong bản đồ các chuỗi cung ứng trên toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.


Kéo theo đó, tất nhiên, sẽ là cơ hội để thu hút đầu tư. “RCEP có thể giúp các công ty Việt Nam mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng vùng và thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Tim Evans, CEO của HSBC nhận định.


Tăng tốc thu hút đầu tư


Trong số 14 nước thành viên RCEP còn lại, hầu hết đều là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Thậm chí, trong danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn tại Việt Nam, thì có tới 6 đối tác đến từ RCEP. Trong đó, lớn nhất là Hàn Quốc (với 70,38 tỷ USD), tiếp đó là Nhật Bản (59,89 tỷ USD), Singapore (55,7 tỷ USD), Trung Quốc (18 tỷ USD), Malaysia (12,8 tỷ USD), Thái Lan (12,5 tỷ USD).


Dù không có RCEP, nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các quốc gia này vẫn đổ vào Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư quốc tế, khi dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển thời kỳ Covid-19.


Việt Nam có cơ hội để định hình lại và có thể khai thác tốt hơn nữa các vị thế mới, từ đó xây dựng vị trí trong bản đồ các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, RCEP sẽ giúp Việt Nam “mở rộng hơn” không gian về đầu tư và thương mại trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.


Hiện tại, cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, và kể cả Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đang tăng tốc đầu tư ra nước ngoài để mở rộng chuỗi sản xuất và cung ứng. Việt Nam, như lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đang là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư từ các nước thành viên RCEP sẽ lớn hơn với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang xây dựng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để đón dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển.


Nhưng với RCEP, câu chuyện không chỉ là các khoản vốn đầu tư giữa các thành viên RCEP với nhau. Sự thịnh vượng, quy mô thị trường to lớn của nội khối RCEP cũng sẽ biến khu vực này trở thành tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu.


Khi đề xuất đàm phán RCEP, các nước ASEAN cũng mong muốn tạo môi trường thuận lợi để kết nối các nền kinh tế, kiến tạo cơ hội cho tăng cường năng lực sản xuất để hướng tới mục tiêu xây dựng ASEAN trở thành một khu vực kinh tế năng động, duy nhất trong khía cạnh sản xuất và thị trường.


“Cùng với các nước ASEAN khác, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ những nước trong RCEP”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.


Hiện tại, Trung Quốc, bất chấp Covid-19 và đi ngược lại xu hướng đầu tư đang dịch chuyển, vẫn đang là thị trường hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài. Thay vì xu hướng giảm như nhiều quốc gia khác, bao gồm Việt Nam, vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc trong những tháng qua vẫn tăng nhẹ. Điều này báo hiệu một cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài sẽ gay gắt hơn trong thời gian tới.


Chính Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng thừa nhận rằng, không dễ để các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đều đang gia tăng các biện pháp để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Vì thế, muốn tăng tốc thu hút đầu tư từ RCEP, hay từ các đối tác tiềm năng khác, Việt Nam cũng cần tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng các chính sách hấp dẫn để đón dòng đầu tư mới.


Nguồn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét