Cảng Tiên Sa đã đầu tư mở rộng giai đoạn II trước khi được phê duyệt chủ trương đầu tư. |
Chưa đủ thủ tục
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tình hình thực hiện và quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa, giai đoạn II của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (Công ty Cảng Đà Nẵng).
Đây là trường hợp khá hy hữu liên quan đến việc thực hiện Luật Đầu tư năm 2014, khi Công ty Cảng Đà Nẵng đã tiến hành triển khai Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa trước khi có quyết định chủ trương đầu tư.
Cụ thể, tại Công văn số 4196/BKHĐT - GSTĐĐT ngày 30/6/2020, trên cơ sở kiểm tra thực tế; báo cáo giải trình của Công ty Cảng Đà Nẵng; ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 8/2015. Hai tháng sau, HĐQT Công ty Cảng Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt Dự án (Quyết định số 622/QĐ - ĐHĐCĐ ngày 2/10/2015). Công trình được khởi công vào ngày 31/7/2016, hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 8/2018.
Trước đó, vào tháng 7/2017 - tức là 2 năm sau khi Dự án Nâng cấp mở rộng cảng Tiên Sa được khởi công, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ mới ký Công văn số 5228/UBND - SKHĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II của Công ty Cảng Đà Nẵng.
Lý do được lãnh đạo TP. Đà Nẵng đưa ra là nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tiếp tục triển khai Dự án, đảm bảo việc luân chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tại thời điểm đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND TP. Đà Nẵng thừa nhận, Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II đã thực hiện được hơn 60% khối lượng công trình, giải ngân hơn 600 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư được duyệt là 1.069 tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Dự án được triển khai thực hiện sau ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành (1/7/2015) nên trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ - CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Theo đó, điểm c, Khoản 1, Điều 31, Luật Đầu tư năm 2014 quy định, dự án xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Khoản 1, Điều 22, Nghị định số 118 quy định trình tự thực hiện dự án đầu tư gồm: quyết định chủ trương đầu tư; thực hiện thủ tục giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho thuê lại đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có); thực hiện thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
“Qua xem xét hồ sơ Dự án và báo cáo của các bên liên quan cho thấy, Dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, cơ sở pháp lý triển khai Dự án chưa được đảm bảo”, Công văn số 4196 nêu rõ.
Trước đó, trong Văn bản 1766/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 22/3/2018 gửi UBND TP. Đà Nẵng về việc thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc nhà đầu tư và UBND TP. Đà Nẵng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, nhưng đã hoàn thiện các thủ tục về đất đai, thi công dự án cơ bản hoàn thành là không phù hợp với trình tự thực hiện dự án đầu tư quy định tại Điều 22, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Vì vậy, việc thẩm định Dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư không còn ý nghĩa, không còn là căn cứ để nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, thực chất là hợp pháp hóa thủ tục cho nhà đầu tư.
Sẵn lòng nộp phạt
Được biết, trước khi ban hành Công văn số 4196, vào đầu tháng 10/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mời các bộ, ngành liên quan gồm: Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tham gia Đoàn kiểm tra Dự án. Đồng thời tiến hành xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan đối với đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng và nhà đầu tư đối với việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án.
Được biết, trong các văn bản gửi Đoàn kiểm tra và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Cảng Đà Nẵng đều thừa nhận là do nhận thức chưa đầy đủ sự thay đổi giữa Luật Đầu tư năm 2005 và Luật Đầu tư năm 2014, nên doanh nghiệp chưa làm thủ tục xin cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư mà đã triển khai đầu tư các hạng mục Dự án Nâng cấp, cải tạo cảng Tiên Sa, là có sai sót về trình tự đầu tư.
Tại Văn bản số 627/CĐN - KTCT ngày 12/6/2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cảng Đà Nẵng cho biết, đơn vị xin rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm về xử lý vi phạm hành chính đối với việc triển khai Dự án khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ - CP ngày 1/6/2016 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Lãnh đạo Công ty cũng xin cơ quan chức năng cho phép Dự án Nâng cấp, cải tạo cảng Tiên Sa giai đoạn II được hưởng các chính sách về ưu đãi theo quy định.
Được biết, trong trường hợp được áp dụng Luật Đầu tư 2014, Công ty Cảng Đà Nẵng sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi đầu tư thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư (thuộc Phụ lục 1, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP).
Trước đó, trong Công văn số 2201/SKHĐT - DN ngày 28/8/2017 xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, trong hồ sơ đề nghị cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II, nhà đầu tư này từng xin một loạt ưu đãi được quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, bao gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm theo Thông tư số 78/2014/TT - BTC ngày 18/4/2014 của Bộ Tài chính; ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu 100% theo Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13; ưu đãi tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản 3 năm theo Nghị quyết số 46/2014/NĐ - CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 100% theo Thông tư số 153/2011/TT - BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính.
Trong Văn bản số 4196 gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện pháp luật về đầu tư không có quy định cấm nhà đầu tư khởi công triển khai thực hiện dự án trước khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 50 có quy định xử lý vi phạm đối với việc triển khai dự án khi chưa được quyết định đầu tư.
Cụ thể, khoản 1, Điều 73, Luật Đầu tư 2014 quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạm vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”; khoản 7, Điều 13, Nghị định số 50 quy định: “Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi triển khai thực hiện dự án khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư”.
Được biết, điểm cộng với Dự án Nâng cấp, cải tạo cảng Tiên Sa giai đoạn II là công trình đã được hoàn thành, phù hợp với quy hoạch với chi phí thực hiện sau quyết toán thấp hơn gần 300 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt (792/1.069 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Dự án sau khi được đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, mang lại những lợi ích kinh tế cho Công ty và địa phương. Tổng số lượt tàu cập bến tăng dần qua các năm 2018, 2019 (310 - 720 lượt tàu) với tổng lượng hàng hóa tăng tương ứng từ 8,651 triệu tấn lên 10,4 triệu tấn, mang lại lợi nhuận trước thuế cho doanh nghiệp trong năm 2019 là hơn 50 tỷ đồng. Công ty Cảng Đà Nẵng đã trả nợ gốc trước thời hạn cho Quỹ Đầu tư phát triển TP. Đà Nẵng 30 tỷ đồng.
Với những lý do nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II sau khi Công ty Cảng Đà Nẵng thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư đối với Công ty Cảng Đà Nẵng theo quy định tại Nghị định số 50 và quy định của pháp luật có liên quan.
“Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán về những nội dung vi phạm do triển khai dự án trước khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, chấp hành các hình thức xử lý các hành vi vi phạm của cấp có thẩm quyền và các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Vị trí xây dựng: Tại cảng Tiên Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.
Mục tiêu: Xây dựng 1 cầu cảng 50.000 DWT cho tàu container trọng tải đến 50.000 DWR và tàu khách trọng tải đến 100.000 GT; 1 cầu cảng 20.000 DWT.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.069 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 35,9%, vốn vay chiếm 30,8% và chiếm 33,3%. Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét