Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Ưu tiên vốn đầu tư công trung hạn cho đường Hồ Chí Minh

.
Dự án đường Hồ Chí Minh mới hoàn thành 2.218 km/2.744 km

Còn 289 km chưa bố trí được vốn, đường Hồ Chí Minh chưa thể nối thông toàn tuyến vào năm 2020 như yêu cầu của Quốc hội, cơ quan thẩm tra đề nghị ưu tiên vốn cho dự án này.


Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án đường Hồ Chí Minh vừa được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.


Trước đó, về dự án này, như Báo Đầu tư đã thông tin, gửi báo cáo đến Quốc hội, Chính phủ cho biết đến nay, dự án mới hoàn thành 2.218 km/2.744 km đạt 80,8% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 237 km; còn lại khoảng 289 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.


Báo cáo thẩm tra nêu rõ, Dự án đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia được triển khai theo Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội, tuy nhiên đến thời điểm báo cáo Quốc hội tháng 10/2020, Ủy ban thẩm tra nhận thấy Dự án chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) vào năm 2020 do không bố trí được nguồn vốn đầu tư cho các dự án thành phần.


Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết, hàng năm đã có báo cáo giám sát tình hình thực hiện Dự án gửi các đại biểu Quốc hội, đồng thời có nhận xét, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ về tình hình triển khai cũng như vướng mắc của Dự án cần phải giải quyết để Dự án hoàn thành đúng tiến độ theo tinh thần Nghị quyết 66/2013/QH13.


Theo đó, từ 2017 Uỷ ban đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải căn cứ tiến độ của tổng thể Dự án đường Hồ Chí Minh cũng như từng Dự án thành phần chủ động điều phối nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải. Trong trường hợp nguồn vốn của Bộ Giao thông vận tải không đáp ứng được thì Chính phủ báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để đảm bảo đủ vốn cho việc triển khai các đoạn tuyến, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội về Dự án đường Hồ Chí Minh.


Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đánh giá việc phân bổ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020 như Nghị quyết 66/2013/QH13 đã nêu chưa được thực hiện tốt. Cơ chế, chính sách và thực hiện các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, quản lý và khai thác hiệu quả công trình cũng chưa được xây dựng.


Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội việc ưu tiên dành phân bổ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho từng dự án thành phần của đường Hồ Chí Minh.


Cụ thể là tiếp tục cân đối bố trí 7.994 tỷ đồng cho 03 dự án đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (dài 30 km/tổng mức đầu tư (TMĐT) 1.651 tỷ đồng); phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (dài 55 km/TMĐT 3.796 tỷ đồng) và đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (dài 74 km/TMĐT 2.547 tỷ đồng).


Riêng đối với Dự án Đoan Hùng - Chợ Bến (dài 130 km/TMĐT 16.216 tỷ đồng), các quốc lộ song hành đủ năng lực đảm nhận nhu cầu vận tải trong khu vực nên sẽ xem xét đầu tư theo quy mô đường cao tốc trong giai đoạn đến năm 2030.


Chính phủ còn được đề nghị chủ động trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khi có vướng mắc về vốn trong triển khai thực hiện để tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án thành phần của đường Hồ Chí Minh để nối thông toàn tuyến, trong đó có một số đoạn kết nối với đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.


Nguồn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét