Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã quá tải. |
Áp lực nâng cấp
Trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ đề xuất Chính phủ đẩy nhanh những công trình trọng điểm mang tính chất liên vùng. Trong đó, Đà Nẵng mong Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương mở rộng sân bay Đà Nẵng và cảng Liên Chiểu. Đề xuất này là điều dễ hiểu, khi cả sân bay và cảng biển ở địa phương hiện quá tải, không đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng phục vụ gần 100.000 chuyến bay, với tổng lượng hàng hóa thông qua cảng 40.660 tấn, vượt xa công suất thiết kế và 15,5 triệu lượt hành khách, vượt quy hoạch tổng lượt hành khách của năm 2020 là 13 triệu lượt. Trong khi đó, nhà ga hàng hóa có công suất thiết kế 20.000 tấn/năm hiện phải phục vụ 45.000 tấn/năm, không còn khả năng tiếp nhận thêm hàng hóa.
Thực tế, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chuẩn bị sẵn kinh phí để đầu tư xây dựng nhà ga T3 (khoảng 5.000 tỷ đồng) với công suất khai thác từ 10-15 triệu hành khách/năm và đầu tư xây dựng ga hàng hóa (khoảng 300 tỷ đồng) với công suất khai thác từ 80.000 - 100.000 tấn/năm. Thế nhưng, để đầu tư nhà ga T3, trước hết phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết.
Cảng Tiên Sa hiện không còn đáp ứng được là cảng biển lớn của khu vực. |
Cảng Tiên Sa cũng đã quá già và không đáp ứng được nhu cầu về một cảng logistics lớn trong khu vực, vì thế, TP. Đà Nẵng liên tục đốc thúc để có thể sớm triển khai cảng Liên Chiểu. Theo dự toán, trong tổng mức đầu tư dự kiến 3.426 tỷ đồng cho phần hạ tầng dùng chung của Dự án cảng Liên Chiểu, thì ngân sách trung ương chiếm 87,4% từ nguồn dự phòng của Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025; ngân sách TP. Đà Nẵng dự kiến đóng góp 12,6%; Đà Nẵng cũng đã bố trí kế hoạch vốn cho năm 2020 là 30 tỷ đồng.
Không riêng Đà Nẵng, nhiều địa phường trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang rất mong muốn nâng cấp sân bay và cảng biển. Trong cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh đã đề xuất cho phép tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý vận hành sân bay Chu Lai, tương tự sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và nâng cấp cảng Chu Lai.
Ông Lê Trí Thanh cho hay, sân bay Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng vốn ngoài ngân sách. Nếu sân bay Chu Lai chỉ đầu tư để đón khách thì vô cùng lãng phí đối với hạ tầng và vị trí địa lý. Hiện sân bay Chu Lai đã có 2.000 ha đất sạch, nhiều tập đoàn trong nước đang hợp tác với nước ngoài mong muốn đầu tư sân bay Chu Lai.
Cảng hàng không Chu Lai đã được quy hoạch đến giai đoạn năm 2030 là cảng hàng không quốc tế, với công suất 5 triệu lượt hành khách/năm. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương thống nhất với UBND tỉnh Quảng Nam về việc lập điều chỉnh quy hoạch và nhà đầu tư thực hiện, cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước hay vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước đúng pháp luật.
Về cảng biển Chu Lai - Trường Hải, ông Lê Trí Thanh thông tin, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đang hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai để mở rộng sản xuất nông nghiệp, nên nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu từ các nước về và xuất khẩu đi các nước tại cảng Chu Lai rất lớn. Với quy mô của cảng hiện nay chỉ đón được tàu 2 vạn tấn thì không giải quyết được vấn đề, nên cần thiết phải nâng cấp cảng để đón được tàu lớn hơn. Dự án đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng.
Phú Yên, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế cũng đang “sốt ruột” để có thể triển khai nâng cấp sân bay và mở rộng cảng biển. Bởi với vị trí địa lý dài và hẹp, chỉ có hạ tầng sân bay và cảng biển mới có thể thúc đẩy và khai thông được tiềm năng phát triển của các tỉnh miền Trung.
Thu hút tư nhân
Thực tế, nhiều tỉnh, thành phố của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đều có cảng biển và sân bay. Vì vậy, câu hỏi có cần thiết đầu tư nhiều sân bay, cảng biển như vậy và nguồn lực đâu để đầu tư luôn được đặt ra.
Nói về đầu tư cảng Liên Chiểu, ông Nguyễn Hữu Sia, một chuyên gia về cảng biển chia sẻ, cảng Liên Chiểu không phải chỉ phục vụ hàng hóa cho Đà Nẵng hay các tỉnh lân cận, mà cho cả Hành lang kinh tế Đông Tây. “Chúng ta cứ nói 100 km bờ biển mà có 3 cảng lớn là Chân Mây, Liên Chiểu, Chu Lai thì nguồn hàng ở đâu. Tôi xin nói, mỗi năm có 500 triệu tấn hàng hóa qua các cảng Việt Nam, trong đó cảng Đà Nẵng hiện chỉ chiếm 3%, dư địa còn lại cho các cảng rất lớn”, ông Sia nói.
Nhận định về sự phát triển của sân bay Chu Lai, TS. Trần Du Lịch cho rằng, sân bay ở Việt Nam hiện mới giải quyết được việc chở khách, bỏ lợi thế hàng hóa, như vậy các khu logistics gắn với cảng sẽ trở thành lợi thế cho Quảng Nam. Ví dụ, Samsung đầu tư vào Bắc Ninh, Thái Nguyên là họ tính đến sân bay Nội Bài đề giải quyết về logistics, thì sân bay Chu Lai trong tương lai sẽ làm được chuyện đó.
Có thể thấy, mỗi cảng biển, sân bay có tầm quan trọng riêng biệt, nếu được quy hoạch đồng bộ và liên kết chặt chẽ, thì sẽ phát huy được lợi thế, trở thành “đôi cánh” để đưa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển. Tín hiệu vui là nhiều cảng biển và sân bay ở miền Trung nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư tư nhân.
Tại Quảng Nam, sau khi đầu tư mở rộng cảng Chu Lai - Trưởng Hải, Thaco tiếp tục đầu tư 2.600 tỷ đồng để mở rộng và đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn với chiều dài bến cảng là 790m. Về sân bay, nhiều nhà đầu tư tư nhân như Thiên Tân Group và Tập đoàn Jk & D Intrernational, Ltd (Hoa Kỳ), liên danh Tư vấn Tedi (Việt Nam) và OCG (Nhật Bản), Vietjet… đã đề xuất tìm nguồn đầu tư, nâng cấp mở rộng sân bay Chu Lai. Vừa qua, Tập đoàn Vingroup cũng đã đề xuất đầu tư Cảng hàng không Chu Lai.
Tại Phú Yên, Vietjet từng đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình tại Cảng hàng không Tuy Hòa. Các hạng mục mà UBND tỉnh muốn giao Vietjet thực hiện là xây dựng Nhà ga hành khách T2 công suất 2 triệu lượt khách/năm, có thể nâng lên 4 triệu lượt khách/năm; nâng cấp, mở rộng đường lăn, sân đỗ máy bay, các công trình liên quan. Tính toán sơ bộ cho thấy, kinh phí cho các công việc này ước 3.000 - 4.000 tỷ đồng.
Tại Đà Nẵng, nguồn vốn của các tổ chức quốc tế bắt đầu rót vào để nghiên cứu xây dựng cảng Liên Chiểu. Trong tháng 6/2020, Đà Nẵng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký thỏa thuận triển khai Dự án Khảo sát thu thập số liệu phát triển cảng Liên Chiểu, với kinh phí 50 triệu yên Nhật, nhằm rà soát, thu thập các số liệu về Dự án cảng Liên Chiểu và quy hoạch phát triển cảng…
Kết quả nghiên cứu là cơ sở để JICA tiếp tục xem xét, hỗ trợ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cảng Liên Chiểu (Hợp phần kêu gọi đầu tư tư nhân). Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam chia sẻ, rất quan tâm và hiểu rõ tầm quan trọng của Dự án, nên sẽ sớm triển khai thực hiện dự án nghiên cứu này.
Thu hút nguồn lực xã hội sẽ là hướng mở để cảng biển và sân bay miền Trung được nâng cấp, mở rộng, thoát khỏi chiếc áo chật và phát triển.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét