Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Bức tranh đầu tư cho năng lượng: Mọi nguồn lực đều cần được kích hoạt

Nghị quyết 55-NQ/TW tiếp tục mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân trong tham gia phát triển năng lượng.
Nghị quyết 55-NQ/TW tiếp tục mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân trong tham gia phát triển năng lượng.

Dầu và than cùng khó


Thực trạng khó khăn trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí, triển khai các dự án lớn của ngành dầu khí được nhắc tới trong Báo cáo tổng kết năm 2019 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).


Năm 2019, giá trị thực hiện đầu tư của PVN đạt 30.400 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm. Năm 2018, con số này là 40.900 tỷ đồng (53% kế hoạch năm).


Năm 2020, theo phê duyệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, kế hoạch vốn đầu tư tối đa của PVN không quá 28.559 tỷ đồng.


Ở mảng khai thác dầu khí, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác năm 2019 chỉ đạt 0,63 lần và là năm thứ tư ở mức báo động. Trong năm 2019, các doanh nghiệp dầu khí chỉ thực hiện được 11 giếng khoan thăm dò, thẩm lượng , chưa được 50% về số lượng so với giai đoạn 2011 - 2015. Chỉ có một phát hiện dầu khí mới, giai đoạn 2011 - 2015 có 22 phát hiện mới.


Đáng nói là, trong khi các phát hiện mới không dồi dào so với giai đoạn trước, các mỏ đang khai thác lại suy giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến.


Các dự án trọng điểm, như Cá Voi Xanh, Lô B dù đã được phê duyệt mức giá khí miệng giếng từ năm 2017, nhưng tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra.


Đầu năm 2020, lãnh đạo PVN từng kỳ vọng cơ chế quản lý tài chính mới cho PVN sẽ được ban hành sau 4 năm chờ đợi, nhưng giờ là tháng 7/2020, mọi chuyện vẫn im lìm.


Trong khi các dự án năng lượng ở ngành dầu khí gặp khó, nhập khẩu năng lượng đã diễn ra ở ngành than. Năm 2019, khối lượng than nhập khẩu tăng cao với 43,8 triệu tấn, trị giá 3,79 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên, lượng than nhập xấp xỉ lượng than sản xuất trong nước.


Dự án điện lớn đang cố hết sức


Đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2019 tiếp tục đường đi xuống đã bắt đầu diễn ra từ năm 2016.


Năm 2019, giá trị khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn ước đạt 100.480 tỷ đồng, bằng 95,8% kế hoạch. Giá trị giải ngân 98.748 tỷ đồng, bằng 94,1% kế hoạch.


Trước đó, năm 2016, giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN là 134.858 tỷ đồng; năm 2018 còn 118.894 tỷ đồng. Năm 2020, kế hoạch chỉ còn 93.216 tỷ đồng.


Không chỉ dự án điện lớn của EVN khó triển khai. Nhìn ra toàn ngành, các dự án lớn khác cũng đã có sự chững lại.


Báo cáo của Bộ Công thương với Ban Chỉ đạo Điện quốc gia vào tháng 6/2020 cho thấy, không có điểm đột phá về các dự án nguồn điện lớn so với báo cáo giữa năm 2019. Chỉ có một số công trình điện do EVN thực hiện và khởi công từ năm 2016 về trước hoàn thành đúng kế hoạch được ghi trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh.


Hàng loạt dự án điện khác được EVN và các nhà đầu tư khác triển khai tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, với nguồn khí đầu vào từ Lô B hay Trung tâm Điện lực Dung Quất, với nguồn khí đầu vào từ mỏ Cá Voi Xanh chưa nhìn thấy ngày về đích.


Các dự án năng lượng của ngành dầu khí là Nhiệt điện Thái Bình 2, hay Nhiệt điện Long Phú 1 chưa có hướng giải quyết khó khăn, nên vẫn tắc, như đã diễn ra mấy năm nay.


Những dự án mở rộng trên nền nhà máy thủy điện sẵn có như Hòa Bình, Yaly cũng gặp khó khăn do thủ tục phê duyệt đầu tư, khó đẩy nhanh tiến độ.


Ở ngành than, trong số 4 dự án điện lớn là Na Dương II, Quỳnh Lập I, Cẩm Phả III và Hải Phòng III được giao cho TKV có quy mô gần 3.000 MW, 3 dự án “chưa xác định tiến độ đầu tư” và một dự án “chậm 4 năm”.


Lãnh đạo TKV cho hay, doanh nghiệp đã làm hết sức những gì trong khả năng làm được, còn vướng mắc liên quan đến thu xếp vốn và không có bảo lãnh của Chính phủ cần sự tham gia của Chính phủ. Ngoài ra, có những dự án nhiệt điện than, dù đã mấy năm thỏa thuận địa điểm với địa phương, vẫn chưa chốt được.


4 dự án điện BOT có vốn nước ngoài đang triển khai là Nghi Sơn 2, Duyên Hải 2, Vân Phong 1 và Hải Dương 1 có tổng quy mô 4.800 MW cũng nhìn thấy nguy cơ chậm từ 6 tháng tới 1 năm. 4 dự án BOT đang đàm phán là Nam Định 1, Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3, Sông Hậu 2 dự kiến chậm 3-4 năm.


Hào hứng năng lượng tái tạo


Theo thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), hiện có 99 nhà máy điện mặt trời nối lưới đang hoạt động, với tổng công suất đặt là 5.053 MW, chiếm khoảng 9% tổng công suất của hệ thống điện Việt Nam. Tổng vốn đầu tư cho hơn 5.000 MW này khoảng 100.000 tỷ đồng - con số không hề nhỏ trong bối cảnh hiện tại.


Trước năm 2019, chỉ có 2 nhà máy điện mặt trời nối lưới là Phong Điền và Krongpa hoạt động. Chỉ 6 tháng đầu năm 2019, đã có thêm 89 nhà máy điện mặt trời vào vận hành. Về điện gió, 11 nhà máy điện gió hoạt động, trong đó 9 nhà máy đã vận hành trước 30/6/2019.


Năm 2019, sản lượng của điện gió và mặt trời là 5,89 tỷ kWh, chiếm 2,4% sản lượng điện của hệ thống.


Năm 2020, tỷ trọng này có thể lên tới 5%. Vì đã có 135 dự án điện mặt trời (tổng công suất 8.935 MW) được bổ sung vào Quy hoạch. Với điện gió, ngoài 4.800 MW đã được bổ sung vào Quy hoạch, Chính phủ đã đồng ý bổ sung tiếp khoảng 7.000 MW điện gió.


Sự có mặt của các dự án năng lượng điện tái tạo đã góp phần bổ sung thêm nguồn điện mới cho hệ thống trong điều kiện nhiều dự án điện lớn khó triển khai, nhưng các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần một quy hoạch bài bản cho phát triển năng lượng. Vì nếu hạ tầng truyền tải không theo kịp các dự án phát triển nguồn, các nguồn lực đầu tư sẽ không thể phát huy tối đa hiệu quả...


Một số mục tiêu phát triển năng lượng giai đoạn 2021 – 2030

Năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE;

Tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ kWh.

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045…

Nguồn: Nghị quyết 55-NQ/TW


Nguồn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét