Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất 10.990 tỷ đồng và đường cao tốc Bến Lức – Long Thành 1,5 tỷ USD


Gấp rút điều chỉnh Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành trị giá 1,5 tỷ USD


Bộ GTVT và chủ đầu tư – Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang chạy đua hoàn thành việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chỉ có thể hoàn thành vào tháng 6/2023 do vướng mắc trong GPMB và bố trí vốn.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chỉ có thể hoàn thành vào tháng 6/2023 do vướng mắc trong GPMB và bố trí vốn.

Theo thông tin của baodautu.vn, ngày 22/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có công văn hỏa tốc gửi 2 bộ: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).


Để kịp gia hạn Hiệp định vay theo yêu cầu của ADB (trước ngày 30/5/2020), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về kiến nghị của Bộ GTVT đối với nội dung gia hạn thời gian thực hiện Dự án; gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 25/5/ 2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Đối với kiến nghị của Bộ GTVT về chủ trương sử dụng vốn của Hiệp định vay 3391-VIE để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay 2730-VIE, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng quy định hiện hành.


Trước đó, vào ngày 21/5, Bộ GTVT đã có văn bản 4883 kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.


Văn bản của Bộ GTVT được phát hành ít giờ sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 75/NQ – CP về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu, trong đó có việc các bộ hay Ủy ban quản lý Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chủ quản các dự án sử dụng vốn đầu tư công do các doanh nghiệp thuộc Ủy ban làm chủ đầu tư.


Theo tinh thần của Nghị quyết số 75, Bộ GTVT được xác định là cơ quan chủ quản và sẽ tiến hành trình thủ tục điều chỉnh Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành lên Thủ tướng Chính phủ.


Được biết, tại văn bản 4883, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận nguyên tắc về điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và gia hạn thời gian thực hiện Hiệp định vay ADB của Dự án (Hiệp định khung MFF và Hiệp định vay lần 2 số 3391-VIE) đến ngày 31/12/2023 và giao Bộ Tài chính thực hiện ngay việc thông báo đến ADB nội dung này để Ban Giám đốc ADB xem xét trước.


Bộ GTVT cũng đề xuất Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Bến Lức - Long Thành đến ngày 31/12/2023 để làm cơ sở gia hạn thời gian thực hiện của Hiệp định khung MFF và Hiệp định vay 3391-VIE vay vốn ADB đến ngày 31/12/2023. Đồng thời xem xét chấp thuận chủ trương sử dụng vốn của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay ADB lần 1 (2730-VIE) do hết hạn hiệp định, với giá trị dự kiến khoảng 1.584,42 tỷ đồng (tương đương 67,4 triệu USD).


Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do VE) làm chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án vào tháng 10/2010 với tổng mức đầu tư xây dựng là 31.320 tỷ đồng (tương đương khoảng 1.607,4 triệu USD) để xây dựng toàn bộ tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 57,8 km.


Dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2925/QĐ-BGTVT ngày 8/10/2010 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 5096/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014 sử dụng vốn đồng tài trợ của ADB (gồm 2 khoản vay theo hình thức đầu tư phân kỳ, độc lập nằm trong Hiệp định khung (MFF 0053-VIE) có thời hạn 10 năm từ ngày 14/12/2010 đến ngày 14/12/2020 và vốn ODA của Chính phủ Nhật bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) (dự kiến bao gồm 3 khoản vay thực hiện giải ngân song song) và vốn đối ứng trong nước. Công trình đã được khởi công ngày 19/7/2014, kế hoạch hoàn thành năm 2020. Hiện tiến độ dự án chậm 17,63% so với kế hoạch. Đặc biệt các gói thầu vốn vay ADB có nguy cơ không hoàn thành Dự án trước thời hạn kết thúc Hiệp định khung của dự án vào ngày 14/12/2020, khi đó sẽ không có kinh phí để thi công khối lượng còn lại.


Cụ thể, Hiệp định vay 2730-VIE trị giá 350 triệu USD đã đóng ngày 30/6/2019 nên hiện chưa có nguồn vốn để tiếp tục giải ngân cho các khối lượng còn lại của các gói thầu đoạn phía Tây (khối lượng thi công từ ngày 30/6/2019 trở về trước nhưng chưa được nghiệm thu, giải ngân và khối lượng thi công sau ngày 30/6/2019). Theo báo cáo của VEC, tổng giá trị còn lại của toàn bộ hợp đồng các gói thầu đoạn phía Tây là khoảng 1.584,42 tỷ đồng (khoảng 67,4 triệu USD, bao gồm 1.320,87 tỷ đồng giá trị xây lắp (khoảng 56,2 triệu USD) và 236,55 tỷ đồng giá trị tư vấn (khoảng 11,2 triệu USD). Do không kịp làm thủ tục gia hạn Hiệp định vay 2730 – VIE nên các cơ quan chức năng  cần thực hiện thủ tục điều chỉnh sang sử dụng nguồn vốn từ khoản vay 3391-VIE và điều chỉnh thời gian thực hiện của Dự án để tiếp tục giải ngân cho các gói thầu.


Trong khi đó, khoản vay 3391-VIE có thời hạn đóng vào ngày 30/6/2020 và hiệp định khung MFF có thời hạn đóng vào đóng ngày 14/12/2020. Dự kiến tiến độ hoàn thành dự án sẽ vượt quá thời gian có hiệu lực của khoản vay 3391-VIE và MFF, do đó cần thực hiện các thủ tục gia hạn khoản vay để đảm bảo nguồn vốn thi công hoàn thành Dự án với mốc tiến độ để hoàn thành gói thầu xây lắp cuối cùng (A6) là tháng 5/2023 và gói thầu tư vấn giám sát C1 sẽ kéo dài đến ngày 31/12/2023.


“Do đó để đảm bảo triển khai hoàn thành đoạn phía Tây và phía Đông theo hợp đồng đã ký, việc điều chỉnh Dự án để tạo cơ sở gia hạn Hiệp định 3391- VIE là điều rất cấp bách”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.


Không chỉ vướng mắc đối với 2 hiệp định vay vốn ADB, phần vốn nước ngoài (vốn JICA) từ tháng 1/2019 chưa được giao do vướng Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội, trong khi nhu cầu vốn đăng ký để thực hiện năm 2019, 2020 cho Dự án là 1.584 tỷ đồng. Việc thiếu vốn đầu tư dẫn đến Dự án không hoàn thành đúng tiến độ, kéo dài thời gian thi công, phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư dự án; ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ đối với các Nhà tài trợ; phá vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay và tình hình tài chính của VEC.


Sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng FDI mới


Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để đón được làn sóng đầu tư mới khi các tập đoàn đa quốc gia đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid-19.


Chiều 22/5, Thường trực Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã họp bàn về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra.


Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua tiếp xúc và tìm hiểu các nhà đầu tư ngoài gần đây, thì đa phần đều coi Việt Nam là điểm đến an toàn, tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng. Và vì thế, Việt Nam có nhiều lợi thế để đón làn sóng đầu tư mới, khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid-19.


Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao và năng lượng sạch.


Lãnh đạo các địa phương cũng cho biết, gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài là các tập đoàn lớn đã tiếp cận, tìm hiểu về cơ hội đầu tư hay mở rộng các dự án hiện có. Các địa phương đều đã chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng sạch để có thể bàn giao ngay khi có yêu cầu, đặc biệt là tại các khu công nghiệp.


Liên quan đến vấn đề này, theo các chuyên gia kinh tế, có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam hiện nay. Đó là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử, logistic, hàng tiêu dùng và bán lẻ.


Để đón đầu làn sóng này và thu hút được các “đại bàng” đến làm tổ, các nước thường hỗ trợ các nhà đầu tư bằng ưu đãi về thuế, đất đai và các biện pháp ngăn chặn sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động. Và vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài cũng mong muốn chính sách của Chính phủ phải nhất quán, ổn định, lãnh đạo các cấp thực hiện đúng cam kết và ra các quyết định, quyết sách nhanh chóng hơn.


Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nếu Việt Nam không thu hút được đầu tư, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công. Nhất là sau khi, Việt Nam chống dịch Covid-19 bước đầu thành công, thì phải lo phát triển đất nước thì mới đạt được thắng lợi mục tiêu kép.


Do đó, theo Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần “tiến công, chủ động hơn”, để tranh thủ dòng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng.


Thủ tướng nhấn mạnh, trong thu hút đầu tư, ở những nước đang phát triển như Việt Nam, không thể có một hạ tầng hoàn thiện, một cơ chế hoàn thiện, nên chúng ta cần biết tạo nên một sức mạnh từ lợi thế của đất nước, đồng thời “làm nhanh hơn, tốt hơn”.


Theo Thủ tướng, nếu cứ “bình bình”, theo cách làm cũ, trì trệ và không đổi mới thì khó thành công. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần có tư duy mới để đón đầu và đón bắt được dòng đầu tư mới này.


Tư duy mới là phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả hai phía. Trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh thu hút đầu tư quyết liệt, thì Việt Nam phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh hơn để thu hút có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn có công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.


Từ yêu cầu này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành liên quan phải xây dựng ngay đề án để Thủ tướng có sự chỉ đạo chung trên tinh thần là nhanh, mạnh hơn và rõ hơn.


Đặc biệt, đề án phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, cũng như nguồn nhân lực.


Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để đón được làn sóng đầu tư mới này, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan.


Để đón đầu làn sóng đầu tư mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền về một Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với nhà đầu tư và du khách.


Trong khi đó, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương phải tạo mọi thuận lợi về mặt bằng sản xuất, xây dựng các chính sách ưu đãi cần thiết, hấp dẫn, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính và nguồn nhân lực.


Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, cùng với việc thu hút FDI, cũng phải tiếp tục tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước, đầu tư làm ăn thành công.


Tỷ đô tìm về "sân nhà", hy vọng trụ đỡ thị trường nội địa


Trong khi chưa thể sớm “chinh phục lại” thị trường nước ngoài bởi còn chờ lệnh dỡ bỏ phong tỏa của nhiều quốc gia, thì việc “khoan” thị trường nội địa là biện pháp quan trọng lúc này nhằm phục hồi nền kinh tế. Cùng với chi tiêu của Chính phủ, thì chi tiêu của người dân cũng là một “mũi giáp công” quan trọng.

Cầu giảm không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đức Thanh
Cầu giảm không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

Rất nhiều thông tin về sự trở về của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến cá tra, doanh nghiệp dệt may… đều đã lần lượt tìm cách đưa sản phẩm của mình về “sân nhà”, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó bởi đại dịch Covid-19.


Chẳng hạn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cùng với việc chuyển hướng sản xuất các mặt hàng khẩu trang, đã bắt đầu tìm kiếm các đơn hàng phục vụ thị trường nội địa. Tập đoàn Hồ Gươm, Công ty cổ phần Gò Đàng (Bến Tre)… đều lần lượt nằm trong danh sách này. Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch Việt Nam đang đua nhau tung ra các gói kích cầu du lịch giá rẻ.


Không khó hiểu vì sao các doanh nghiệp quyết định như vậy, bởi với gần 100 triệu dân, thị trường nội địa Việt Nam khá rộng lớn. Chỉ đơn cử nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy, hải sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đã lên tới khoảng 1 tỷ USD/năm vào năm 2019.


Trên thực tế, trở về thị trường nội địa đang là bài toán sống còn không chỉ với các doanh nghiệp, mà còn với cả nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều thị trường nước ngoài vẫn đang áp dụng các biện pháp phong tỏa vì đại dịch Covid-19 và nhiều khả năng, phải tới cuối quý III mới có thể tạm vận hành trở lại, thì thị trường nội địa chính là “trụ đỡ” quan trọng. Thủ tướng Chính phủ cũng đang nhắc tới thị trường nội địa như một mũi giáp công quan trọng để giúp nền kinh tế nhanh chóng hồi phục sau đại dịch.


Và không chỉ ở Việt Nam, mà theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình phục hồi kinh tế chung của nhiều nước đều là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài; đồng thời phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng mới của người dân, doanh nghiệp và chính phủ.


“Giờ là thời điểm thích hợp để thực hiện các biện pháp kích cầu, bởi các lệnh giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ, chúng ta đang ở trong trạng thái bình thường mới”, ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.


Tháng 4/2020, sức mua lao dốc thẳng đứng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt gần 294.000 tỷ đồng, giảm 20,5% so với tháng 3/2020 và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 15,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 64,7%; doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành giảm 97,5% so với cùng kỳ.


Nếu tính chung 4 tháng, gồm cả yếu tố giá cả, sức mua giảm tới 9,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%). Đây là mức giảm rất mạnh. Ngay cả ở thời điểm suy giảm kinh tế 2008-2009, sức mua cũng không ở tình trạng này.


Cầu giảm không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Để vực dậy nền kinh tế, không thể không kích cầu tiêu dùng trong nước.


Nếu đã là thời điểm thích hợp để kích cầu tiêu dùng, thì đâu là điểm mấu chốt để có thể “khoan” được sức mạnh của thị trường 100 triệu dân?


Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngoài việc thúc đẩy đầu tư công, cần tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, nghiên cứu các chính sách tài khóa mạnh hơn như miễn, giảm thuế VAT để kích cầu… Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, gắn kết lưu thông hàng hóa…


Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, phải chuẩn bị các phương án thực hiện kết nối cung - cầu sau dịch để hỗ trợ tiêu thụ ngay khi các mặt hàng nông sản vào mùa thu hoạch; tăng cường hỗ trợ đưa nông, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối của nước ngoài ở Việt Nam…


“Cũng cần triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng thông qua 2 công cụ: kích thích tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu; tăng chi tiêu của Chính phủ trong qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, phát triển chợ đô thị; hình thành các chuỗi liên kết thuần Việt”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.


Kế hoạch đặt ra là như vậy, nhưng để thực hiện thì không đơn giản. Năm 2009, khi thị trường xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp cũng đã tìm cách quay trở về với thị trường nội địa. Song thực tế, “trở đi mắc núi, trở về mắc sông”, doanh nghiệp vướng không chỉ ở thị hiếu người tiêu dùng, mà còn vướng cả hệ thống phân phối. Nhiều doanh nghiệp thất bại.


Hơn hết, sau khi kinh tế bắt đầu hồi phục, nhu cầu thị trường nước ngoài tăng cao trở lại, đã có những doanh nghiệp “phụ bạc” thị trường đã từng là trụ đỡ cho mình những lúc khó khăn. Họ tiếp tục tìm cách xuất khẩu và “bỏ quên” sân nhà.


Bây giờ lại là một cuộc trở về. Vẫn sẽ là những khó khăn cũ, về sản phẩm, về hệ thống phân phối, về một chiến lược bài bản cho việc “khoan” thị trường nội địa.


Thêm vào đó, theo một báo cáo vừa được Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam tung ra cách đây ít ngày, trong quý I/2020, người tiêu dùng Việt Nam đã chi tiêu ít hơn cho tiết kiệm (-4%), quần áo mới (-9%), du lịch (-5%), nâng cấp/ trang trí nhà cửa (-4%), giải trí bên ngoài (-9%) và sản phẩm công nghệ mới (-6%). Theo bà Louise Hawley, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, virus SARS Cov2 đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới, bao gồm cả người Việt Nam và đang làm thay đổi thái độ, hành vi và mong muốn của người tiêu dùng “một cách chóng mặt”.


Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân, có thể tăng cường phát triển cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân để kích cầu nền kinh tế. “Cầu tiêu dùng của khách hàng cá nhân tăng là nguồn gốc cho sự phát triển sản xuất - kinh doanh bền vững, phá vỡ được vòng luẩn quẩn của suy thoái kinh tế”, các chuyên gia khuyến nghị.


Hà Nội gỡ vướng cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao


Hà Nội đang kêu gọi đầu tư vào hàng loạt dự án nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời gỡ vướng về đất đai, chính sách, thủ tục hành chính, nhằm tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư.

Hà Nội đang kêu gọi đầu tư vào hàng loạt Dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Hà Nội đang kêu gọi đầu tư vào hàng loạt dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội, những năm qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, Hà Nội đã tiếp nhận, chuyển giao thành công nhiều giống cây trồng, vật nuôi cho giá trị gia tăng cao, góp phần tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp.


Có thể kể đến mô hình sản xuất nấm công nghệ cao của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức). Công ty đã đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản, với quy mô hơn 3.000 m2, sản lượng đạt 30 tấn/tháng, mang lại doanh thu 1,8 - 2 tỷ đồng/tháng. Hay như mô hình trồng hoa, sản xuất giống hoa nuôi cấy mô của Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội, vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng phòng nuôi cấy mô và 7 ha trồng hoa ứng dụng công nghệ hiện đại tại huyện Mê Linh và Sóc Sơn.


Cũng theo ông Mỹ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại kết quả rất tốt. Vì thế, lĩnh vực này vẫn đang được Thành phố chú trọng đầu tư, phát triển. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội đã công bố danh sách 11 dự án kêu gọi đầu tư trực tiếp giai đoạn 2019 - 2025, tập trung các huyện ngoại thành, trong đó có 7 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng.


Thành phố hiện có 129 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, cùng một số mô hình công nghệ cao do các hợp tác xã và cá nhân triển khai thực hiện, song các mô hình mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần, chưa phát huy hết tiềm năng.


Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội chia sẻ, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là nguồn vốn và quỹ đất.


Cụ thể, để đầu tư cho 1 ha đất ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp cần vốn khoảng 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến, cần thêm 6 - 10 ha, nên nhiều doanh nghiệp rất khó có quỹ đất để đầu tư.


Để giải quyết vướng mắc, ông Chu Phú Mỹ cho biết, Thành phố đang từng bước tháo gỡ khó khăn về đất đai và nguồn vốn ở những cấp độ khác nhau qua Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020. Thành phố sẽ có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình có dự án, phương án đầu tư để phát triển sản xuất giống, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao…


Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020, Thành phố dành hơn 204 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; 233 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…


“Hà Nội sẽ hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao lên đến 300 triệu đồng/ứng dụng”, ông Chu Phú Mỹ khẳng định.


Thủ tướng đồng ý đầu tư 29,5 km đường bộ ven biển Thanh Hóa trị giá 3.400 tỷ đồng


Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa trị giá 3.400 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

Bản đồ tuyến đường ven biển Thanh Hóa.
Bản đồ tuyến đường ven biển Thanh Hóa.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 649/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT.


Dự án đi qua các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, có mục tiêu từng bước hoàn thành tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch; hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực, hình thành trục đường giao thông chính ven biển để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội; củng cố an ninh quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với biến đổi khí hậu.


Dự án sẽ đầu tư xây dựng mới 2 đoạn tuyến với tổng chiều dài 29,5km, bao gồm 3 đoạn. Đoạn tuyến 1 (Hoằng Hóa - Sầm Sơn) dài 12,3km có điểm đầu tại vị trí giao với đường tỉnh 510 thuộc địa phận xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa; điểm cuối nối vào tuyến đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn (thuộc địa phận phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn).


Đoạn tuyến 2 (Quảng Xương - Tĩnh Gia) dài 17,2km, có điểm đầu nối tiếp vào điểm cuối của dự án đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn thuộc địa phận xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương; điểm cuối nối tiếp vào dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia.


Hai đoạn đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng nền đường 12m. Tổng vốn đầu tư Dự án là 3.400 tỷ đồng, trong đó Ngân sách trung ương hỗ trợ 1.400 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng theo quy định của pháp luật); ngân sách tỉnh Thanh Hóa 980 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 1.020 tỷ đồng.


Nhà đầu tư được phéo xây dựng trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn đối với phần vốn của nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng Dự án theo đúng quy định pháp luật trong thời gian dự kiến thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn Dự án là 24 năm 2 tháng (từ năm 2023 đến năm 2047). Thời gian chính thức sẽ được xác định thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật; thời gian đầu tư xây dựng từ năm 2020 đến năm 2024.


Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật; gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT để theo dõi, giám sát, tổng hợp theo đúng quy định và bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ dự án được phê duyệt.


Thủ tướng giao ACV là nhà đầu tư Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trị giá 10.990 tỷ đồng


Dự án nhà ga hành khách quốc tế T3, Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV), không sử dụng vốn ngân sách.

Nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất được xây dựng từ lâu và đã quá tải nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ.
Nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất được xây dựng từ lâu và đã quá tải nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 657/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 CHKQT Tân Sơn Nhất tại CHKQT Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, Tp.HCM.


Theo đó, Dự án sẽ do ACV là nhà đầu tư nhằm xây dựng nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại CHKQT Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng hành khách giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.


Tổng mức đầu tư Dự án là 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). Thời gian thực hiện Dự án 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Tiến độ xây dựng được xác định là 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.


Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm việc đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng vốn doanh nghiệp; phối hợp và hướng dẫn ACV trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án, đảm bảo đầu tư dự án phù hợp với Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý và các văn bản pháp luật liên quan, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


ACV phải tổ chức triển khai thực hiện và quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng bảo đảm an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; bảo đảm phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả khai thác nhà ga T3 CHKQT Tân Sơn Nhất.


Đề xuất đầu tư công cao tốc Bắc - Nam: Đảm bảo tính thuyết phục


Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều khẳng định lợi ích to lớn và tính khả thi của đề xuất chuyển 8 dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, song các đại biểu Quốc hội cho rằng, lý do cần thuyết phục hơn.


Cuộc họp của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mở rộng thẩm tra đề xuất chuyển đổi nói trên của Chính phủ kết thúc lúc hơn 19 giờ ngày 14/5, với hồ sơ trình vừa hoàn thành trước đó không lâu. Vì thế, đại biểu tham dự chưa có nhiều thời gian nghiên cứu, song cũng đưa ra những vấn đề cần quan tâm hơn để dự án thuyết phục, có tính khả thi.


Theo tờ trình của Chính phủ và phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, có nhiều lý do dẫn đến đề xuất chuyển 8 dự án từ PPP sang đầu tư công. Trong đó, có tính quyết định là các doanh nghiệp tham gia sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu, có năng lực thi công tốt, nhưng không có thế mạnh trong huy động vốn tín dụng, trong khi tỷ lệ vốn tín dụng trong tổng mức đầu tư dự án rất lớn.


Khó khăn về huy động vốn tín dụng cho dự án không thể giải quyết được triệt để cũng là lý do được nhấn mạnh, dù Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp đảm bảo nguồn cung cấp tín dụng cho dự án này. “NHNN có thể chỉ đạo được ngân hàng thương mại cho dự án BOT vay vốn không, xin thưa là không. Chúng tôi đã làm việc với NHNN, họ không chỉ đạo được cho vay, hơn nữa, họ mới có báo cáo là nguồn vốn rất khó khăn, nợ xấu BOT rất lớn”, ông Thể trình bày.


Cũng nằm trong lý do cần phải điều chỉnh là việc nền kinh tế Việt Nam đang chịu tác động nghiêm trọng bởi Covid-19.


Chính phủ khẳng định, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ cơ bản giải quyết được “mục tiêu kép”, vừa tạo điều kiện giải ngân nhanh khối lượng vốn đầu tư công lớn, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng nhanh chi tiêu đầu tư, vừa đẩy nhanh được tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác dự án do không gặp rủi ro về lựa chọn nhà đầu tư và huy động vốn tín dụng.


Tham gia thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Ngô Trung Thành nhấn mạnh, năm 2017, khi Quốc hội thảo luận để quyết định đầu tư dự án này, nhiều đại biểu đã băn khoăn về vốn, nhưng cơ quan trình nói về sự cần thiết đầu tư 8 dự án PPP rất thuyết phục. Giờ trình lại - chuyển PPP sang đầu tư công... còn thuyết phục hơn.


 Đẩy nhanh đầu tư công là giải pháp quan trọng để chống đỡ với Covid- 19, giải ngân càng nhiều thì thành tố đầu tư trong GDP tăng lên.


Ảnh hưởng của Covid-19 có đến mức vậy không? Sức khoẻ doanh nghiệp yếu đi thì sức khoẻ ngân sách còn yếu hơn. Ba năm trước, ngân sách khả quan thì làm PPP, nay khó khăn hơn lại dùng ngân sách? Nêu hàng loạt câu hỏi, ông Thành cho rằng, tờ trình Quốc hội phải đề xuất thuyết phục hơn.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại biểu Đỗ Văn Sinh cũng nhận xét, lý do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu chưa đủ thuyết phục. Vì từ năm 2017, khi thẩm tra để trình Quốc hội quyết định dự án này, Ủy ban Kinh tế đã đặt vấn đề về tính khả thi khi huy động vốn vay sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng giải trình lúc đó rất hay, nên Quốc hội mới quyết định 8 dự án đầu tư theo PPP, giờ lại kêu khó về vốn.


“Nói là vì ảnh hưởng của Covid-19 thì chưa thuyết phục, đọc hồ sơ thì bị hẫng khi thấy có nhà đầu tư PPP, nhưng lại xin chuyển sang đầu tư công”, bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu.


Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đẩy nhanh đầu tư công là giải pháp quan trọng để chống đỡ với Covid- 19, giải ngân càng nhiều thì thành tố đầu tư trong GDP tăng lên. Dự án hoàn thành sớm bao nhiêu thì tác động tốt bấy nhiêu. Chính phủ đã rà soát tất cả các điều kiện đều làm được thì mới trình Quốc hội.


Trả lời băn khoăn của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh về phương án bố trí vốn, ông Phương cho biết, sẽ bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn của cả nhiệm kỳ sau và hoàn toàn khả thi. “Nhiệm kỳ này, Quốc hội đã bố trí 55.000 tỷ đồng không thể tiêu hết. Còn 5 năm tới, cho dù Covid-19 có diễn biến thế nào, thì vốn đầu tư công trung hạn vẫn bằng 5 năm trước là 2 triệu tỷ đồng, bố trí 44.000 tỷ đồng cho dự án là hoàn toàn khả thi”, ông Phương nhận định.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh khẳng định, các đại biểu đều ủng hộ đẩy nhanh dự án, nhưng còn băn khoăn là làm sao để hồ sơ trình Quốc hội đảm bảo tính thuyết phục, vì thế, các cơ quan liên quan cần chuẩn bị chu đáo và công phu hơn.


Nguồn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét